CẦN XÂY DỰNG CÁC CHUỖI CUNG ỨNG THỰC PHẨM AN TOÀN Ở YÊN BÁI

0
468

YBĐT – Việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng (NTD) và là con đường thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS), góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

 

Khách hàng tin tưởng lựa chọn rau an toàn tại Cửa hàng thực phẩm Xanh+.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai, hình thành các chuỗi nông sản, thực phẩm nông sản an toàn trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được Chi cục Quản lý chất lượng NLTS cấp giấy xác nhận tại 7 cơ sở kinh doanh thực phẩm với các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như: rau, quả, thịt. Trong đó, có 2 chuỗi cung ứng rau, 1 chuỗi cung ứng quả và 3 chuỗi cung ứng thịt.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng NLTS, việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn trên địa bàn tỉnh hiện đang đối mặt với không ít khó khăn.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS trên địa bàn tỉnh phần lớn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hộ gia đình, đặc biệt là các cơ sở sản xuất ban đầu như cơ sở về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, đối tượng để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP là cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư…

Cùng với đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS  với số lượng hàng hóa lớn cung ứng tiêu thụ trong và ngoài tỉnh còn rất hạn chế, chủ yếu các công ty, doanh nghiệp tự đầu tư, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các tổ chức, cá nhân tham gia áp dụng sản xuất chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn rất hạn hẹp. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn khó khăn về kinh phí đầu tư như chi phí lấy mẫu, chi phí chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc chứng nhận VietGAP, xúc tiến thương mại; nhiều cơ sở còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm NLTS theo chuỗi cần nguồn vốn lớn, trong khi hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành sản phẩm còn cao, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số chuỗi liên kết còn thiếu ổn định, khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ, một số sản phẩm NLTS mang tính hàng hóa chưa xây dựng thương hiệu, gây khó khăn trong xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

Ông Nguyễn Thế Sự – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS tỉnh cho biết: “Muốn phát triển chuỗi thực phẩm NLTS an toàn, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia chuỗi giá trị; tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền; tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm NLTS; cách thức vận hành chuỗi cung ứng đúng quy chuẩn, quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo ATVSTP nhằm nâng cao nhận thức; qua đó, thay đổi hành vi trong sản xuất thực phẩm an toàn…”.

Để xây dựng các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm NLTS an toàn, tỉnh cần có chính sách khuyến khích thành lập các nhóm liên kết, các tổ hợp tác; khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đầu tư cho phát triển nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; các doanh nghiệp hợp đồng vùng nguyên liệu với các hộ, người sản xuất phải có trách nhiệm quản lý vùng nguyên liệu.

Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất NLTS hàng năm không nên hỗ trợ dàn trải mà ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở, nhóm hộ, tổ chức, cá nhân đầu tư với quy mô lớn, có giấy phép đăng ký kinh doanh, đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ đầu như: địa điểm, điều kiện về đất, nước, về nhân lực, nhà xưởng, môi trường, cam kết thực hiện bảo đảm các yêu cầu của quy trình, quy chuẩn… trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tỉnh và ngành nông nghiệp cần tổ chức các hội nghị khách hàng để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có điều kiện trao đổi, kết nối, ký hợp đồng với khách hàng; tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của tỉnh có cơ hội gặp gỡ các đối tác tại các hội chợ nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hàng năm để tìm kiếm bạn hàng, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Cùng đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP như: Chi cục Quản lý chất lượng NLTS; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở đạt yêu cầu. Đồng thời, nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm về ATVSTP theo quy định.

Hồng Duyên

Nguồn http://www.baoyenbai.com.vn

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here