TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

0
447

Chiều 7/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit), hội thảo chuyên đề về nông nghiệp bền vững dưới sự điều phối của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Ariayana, thành phố Đà Nẵng. 

 

Trồng rau trong nhà kính ở Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số địa phương trong cả nước đã chia sẻ nhiều vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững và việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Cơ hội cho phát triển nông nghiệp bền vững 

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nền kinh tế Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp với kiểu khí hậu đặc trưng, phù hợp sản xuất nhiều loại nông sản nhiệt đới, nuôi trồng thủy sản; có nhiều vùng sinh thái và cây trồng cũng như động vật quý hiếm. 

Việt Nam có hai vùng đồng bằng lớn ở hai đầu đất nước rất phù hợp cho trồng lúa nước và nuôi trồng thủy sản, có vị trí giao thông quốc tế thuận lợi cả về đường không, đường thủy và đường bộ. Điều quan trọng nhất là Việt Nam có lực lượng lao động nông thôn đông đảo, cần cù sáng tạo và đang ở thời kỳ dân số vàng với trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. 

Với những lợi thế đó, nông nghiệp Việt Nam đang có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Đối với nền kinh tế Việt Nam, ngành nông nghiệp không những có vai trò nền móng mà còn đóng vai trò quan trọng, là động lực trong quá trình phát triển đất nước, có khả năng lan tỏa sang các ngành khác, giúp tăng khả năng cạnh tranh cũng như ưu thế của Việt Nam, có tính ổn định xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo an sinh xã hội bằng cách tạo ra việc làm và thu nhập. 

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đáp ứng dồi dào nhu cầu lương thực thực phẩm cho tiêu dùng của đất nước, tham gia hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với giá trị ngày càng tăng nhanh. Nhiều mặt hàng nông sản đã có giá trị cao trên thị trường quốc tế như hạt điều, hạt tiêu, gạo, càphê, đồ gỗ nội, ngoại thất… đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Nông thôn Việt Nam đã được đổi mới với hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối đường cao tốc, thu nhập và cuộc sống của nông dân được cải thiện và nâng cao. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức như tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và mạnh hơn, thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế sâu rộng đem lại nhiều lợi thế nhưng cũng mang đến nhiều cạnh tranh… 

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Doanh, phát triển nông nghiệp bền vững phải đảm bảo được nhu cầu của thế hệ hiện nay đồng thời duy trì được tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau, bao gồm quỹ đất, quỹ nước, quỹ rừng, khí quyển, đa dạng sinh học. Xây dựng nông nghiệp phát triển bền vững, tiêu chuẩn, khai thác tiềm năng, lợi thế là việc làm tốt nhất và là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đất nước.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, đã chủ động đồng nhất vào kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 2017-2020, theo đó, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, cải thiện xã hội và môi trường, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cải thiện nhanh hơn thu nhập và đời sống của người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. 

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Quốc Doanh cho rằng thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững cần quan tâm tới bốn vấn đề sau: Đổi mới công nghệ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường; khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, điều chỉnh cơ cấu vùng miền khai thác, phát triển và xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm xuất khẩu như tôm, cá tra và nhuyễn thể; phát triển bền vững bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, quản lý nghiêm kết hợp với tăng cường công tác tái sinh rừng tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển nông nghiệp đa chức năng; phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp đa mục tiêu theo hướng bền vững. 

Phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông sản 

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết Hà Nam nằm ở vùng trọng điểm lúa của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với 70% dân số thuộc khu vực nông thôn. Do đó, nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây là từ sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề quan tâm lớn của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Hà Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 4%/năm đến năm 2020. 

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong đó nhiệm vụ đặt ra là phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, quy hoạch, tập trung tích tụ đất đai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn và liên kết phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. 

Theo ông Nguyễn Xuân Đông đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 53 mô hình sản xuất của các tổ hợp tác sản xuất của các tổ hợp tác, các nhóm hộ nông dân, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của 38 xã trên địa bàn tỉnh có mô hình liên kết nông sản sạch với các doanh nghiệp với diện tích 445 ha, các sản phẩm liên kết chủ yếu là rau ăn lá, dưa các loại, ngô ngọt và lúa chất lượng cao. Một số sản phẩm liên kết đã được bán tại các siêu thị Vinmart, Big C, Bác Tôm… và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. 

Nhờ có chính sách quy hoạch, tập trung tích tụ ruộng đất đúng đắn, được nhân dân đồng thuận, đến nay, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết có thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu trên, Hà Nam xác định các doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là hạt nhân liên kết, là nhân tố quyết định thành công của liên kết chuỗi. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam bày tỏ mong muốn, thời gian tới, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong khu vực APEC sẽ đầu tư vào quá trình liên kết, phát triển nông nghiệp theo chuỗi như: Các dự án trồng và chế biến sản phẩm rau củ quả sạch có giá trị gia tăng cao phục vụ thị trường nội địa; dự án khu chăn nuôi tập trung khép kín từ cung cấp giống-thức ăn-chế biến sản phẩm từ thịt với các con nuôi chủ lực lợn sạch-bò sữa-bò thịt; dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp… 


Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết chính quyền thành phố Cần Thơ đã triển khai 6 quy hoạch cụ thể và 1 đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gồm: Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch bố trí dân cư thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. 

 

Một vườn dâu công nghệ cao tại Đà Lạt. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo ông Võ Thành Thống, trong những năm qua, ngành nông nghiệp của thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia với thành phố Cần Thơ trong thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 


Hiện nay, thành phố Cần Thơ đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu như: Tăng cường liên kết với các địa phương và liên kết bốn nhà; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích phát triển trang trại, doanh nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả; đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất; nâng cao hiệu quả công tac khuyến nông. 

Ông Võ Thành Thống chia sẻ hiện nay thành phố Cần Thơ đang thu hút đầu tư vào các dự án: Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 với quy mô 20ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ với 244ha; Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 với 100ha; Vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung thành phố Cần Thơ có quy mô 100ha. 


Huy động nguồn lực đầu tư vào các dự án nông nghiệp 

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk tập trung vào ba lĩnh vực đột phá chính. Theo đó, Đắk Lắk tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ thành lập mới và củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hợp tác, hợp tác xã trong liên minh hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư và sản xuất, chế biến, bảo quản và cung cứng dịch vụ cho nông nghiệp. 

Tỉnh cũng có chính sách ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, ngành nông nghiệp Đắk Lắk nổi bật với diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 500.000ha, trong đó có gần 40% là đất đỏ bazan, phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, rau củ quả, dược liệu… 

Với ba tiểu vùng khí hậu và nhiệt độ trung bình khoảng 24 độ C, Đắk Lắk đặc biệt thích hợp cho từng loại cây trồng chuyên biệt như càphê. Diện tích và sản lượng cà phê của địa phương này lớn nhất Việt Nam với hơn 400 nghìn tấn/năm. Thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Đối với nông nghiệp, địa phương ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng rau an toàn, hoa quả, dược liệu, phát triển gia súc gia cầm…

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hà, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện các ý tưởng, mục tiêu dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chủ yếu như ứng dụng công nghệ sinh học cũng như các công nghệ khác để tạo ra giá trị gia tăng, sản xuất giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, chăn nuôi, thủy sản; phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, gắn với nhu cầu thị trường và dựa trên các vùng nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn. 

Hiện nay, Đắk Lắk đang ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Ea K’Pam, huyện Cư M’gar; Nhà máy chế biến sâu nông sản tại Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột; Khu công nghiệp Phú Xuân tại xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar.

Theo TTXVN

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here