CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ Ở YÊN BÁI

0
445

CUỘC THI VIẾT VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI


 CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ Ở YÊN BÁI

 

Kiểm tra sản phẩm chè xuất khẩu tại HTX dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh.


Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 331 hợp tác xã (HTX), tăng 6,4 lần so với năm 1994. Các HTX này đang tạo việc làm thường xuyên cho 6.000 xã viên, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, điều hòa các quan hệ về sở hữu và lợi ích kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2013 hơn 17 tỷ đồng, tăng gấp tám lần so với 10 năm trước đây.


Về Nghĩa Lộ, thăm HTX dịch vụ tổng hợp Nghĩa An, nơi tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, bà con dân bản ai cũng bảo: “Có cái HTX này, dân bản không phải lo mua thóc giống, phân bón, thuốc trừ sâu như trước nữa. Cái gì nông dân cần, HTX nó cung ứng đủ hết, tránh mua phải giống kém chất lượng, phân giả và quan trọng hơn là không mất tiền ngay, vì HTX đứng ra ứng trước thanh toán, đến mùa xã viên trả bằng thóc đã được thỏa thuận giá từ trước”. Nhờ mô hình này, các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong thâm canh sản xuất, xây dựng công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn… ở Nghĩa An luôn đi đầu trong các xã thuộc cánh đồng Mường Lò của tỉnh Yên Bái, đời sống nông dân các dân tộc thiểu số trong vùng được cải thiện rõ nét.


Anh Trần Văn Chức, bản Nậm Đông phấn khởi nói: “Gia đình được HTX hỗ trợ 600 kg thóc (tương ứng 6 triệu đồng -PV), vợ chồng mình nhường đất xây dựng nhà văn hóa bản, vừa giúp bà con có nơi sinh hoạt, vừa giữ được nét văn hóa Thái, nhất là các nhà sàn Thái có các khau cút truyền thống, hiện đang mai một bởi các mái lợp phi brô-xi măng lấn át”.


Cái hay của HTX Nghĩa An là tạo được kho thóc tập trung, thường xuyên trong kho có từ 50 đến 100 tấn thóc thịt, sẵn sàng cung ứng cho vay không tính lãi cho xã viên khi gặp khó khăn. Có được kết quả này là nhờ HTX được “thừa kế” 85 tấn thóc do chia tách HTX cũ từ năm 1995 (chia tách xã Nghĩa An ra thêm phường mới Tân An), hơn 600 xã viên được hưởng lợi vì sự quản lý chặt chẽ, công khai, dân chủ của Ban chủ nhiệm HTX đối với công việc được giao.


Kinh doanh có lãi, hằng năm mỗi hộ được chia 50 kg thóc thịt; gia đình xã viên có con mới sinh được cấp 15 kg thóc, nhiều năm liền Nghĩa An không có trường hợp sinh con thứ ba; hộ có tang được cấp 50 kg thóc, nếu cần sẽ được vay 200 kg thóc không tính lãi. Đối với các hộ nghèo, quỹ của HTX đã trích đúng, đủ để thăm hỏi các hộ khó khăn, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, đã thăm hỏi động viên 365 hộ nghèo với số tiền hơn 62 triệu đồng.


Cả xã Nghĩa An có 700 hộ dân, thì xã viên HTX có 606 thành viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường canh tác 130 ha ruộng nước. Để chuyển đổi nâng cao năng suất lúa, HTX đã đầu tư máy sản xuất phân viên nén dúi sâu, vận động nông dân chuyển đổi hơn 90% diện tích sản xuất từ sử dụng phân bón truyền thống sang phân nén dúi sâu, đã giảm chi phí cho nông dân và tăng năng suất cây trồng. Do HTX quan tâm việc cung ứng giống tốt đi đôi với gieo cấy đúng thời vụ, áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh cây lúa nước, cho nên hết năm 2013, năng suất lúa đạt 13,68 tấn/ha; doanh thu trong kinh doanh tăng trưởng bình quân đạt 9%, đến nay có hơn 3,3 tỷ đồng vốn quay vòng; góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 52% năm 2011 xuống còn 37,5%.


Một việc có ý nghĩa lớn là từ vận động nhân dân và sự đóng góp của các cá nhân, HTX xây dựng được quỹ khuyến học với số thóc là 27,5 tấn và 55 triệu đồng, số tiền này được gửi vào HTX theo lãi suất tín dụng hiện thời nhằm bảo toàn và phát triển vốn, số lãi sử dụng vào thi đua, khen thưởng trong dạy và học. Nhờ quỹ này, tám dòng họ khuyến học của xã đã giúp 20 cháu theo học hết THPT và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.


Tại huyện Văn Chấn, HTX dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh tập trung cho xã viên kinh doanh tốt 400 ha chè, kinh doanh và chế biến gỗ từ 1.200 ha rừng trồng trong xã.


Chủ nhiệm HTX Nguyễn Ngọc Thận cho biết: Từ khởi đầu có 23 xã viên, vốn điều lệ hoạt động hơn 367 triệu đồng, qua gần 20 năm hoạt động, hiện HTX thu hút được 120 xã viên và người lao động, vốn điều lệ tăng lên 6,7 tỷ đồng, vốn hoạt động hơn 9,5 tỷ đồng; thu nhập của xã viên đạt 2,8 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách 1,3 tỷ đồng. HTX đã xây dựng hai nhà máy chế biến chè đen, một xưởng chế biến gỗ rừng trồng, qua đó tạo việc làm cho hơn 100 lao động vùng nông thôn miền núi. Chị Hà Thị Nhung, dân tộc Tày trú tại thôn Mỵ từ hộ nghèo khi tham gia HTX được cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và được hướng dẫn kỹ thuật trong trồng chè, nay có thu nhập khá, thoát nghèo. Anh Nguyễn Văn Trọng ở thôn Khe Ngủ, khi vào HTX đã góp hai ha chè kinh doanh, nhờ đầu tư chiều sâu, chuyển đổi giống chè mới cho năng suất cao, mỗi ha cho thu hái hơn 10 tấn búp tươi mỗi vụ, đời sống gia đình có “của ăn của để”.


Nhìn nhận quá trình chuyển đổi các HTX trên địa bàn Yên Bái, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo khẳng định: “Là tỉnh miền núi với nhiều dân tộc cùng sinh sống, vai trò của HTX khi chuyển đổi mô hình mới đã bảo đảm các nguyên tắc, giá trị của HTX và các quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đúng với tinh thần “Hợp tác, đổi mới, phát triển bền vững”.

Nguồn http://www.nhandan.com.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here