YBĐT – Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn 1/3 số HTX hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đã ngừng hoạt động. Hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay chỉ mới dừng lại ở khâu cung ứng dịch vụ đầu vào cho xã viên, còn hoạt động bao tiêu sản phẩm tại chỗ gần như bỏ ngỏ.
Mô hình nuôi thỏ New Zealand tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho hiệu quả kinh tế cao.
Những con số biết nói
Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái có những chuyển biến tích cực, nhiều HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và hoạt động có hiệu quả, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn không ít HTX hoạt động kém hiệu quả, không đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, nhiều HTX ngừng hoạt động kéo dài. Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 333 HTX, trong đó có 113 HTX ngừng hoạt động.
Trong số 113 HTX ngừng hoạt động có 13 HTX có nhu cầu chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; 50 HTX không nợ thuế, còn bộ máy quản lý; 50 HTX không còn bộ máy quản lý hoặc còn nợ thuế, nợ các tổ chức, cá nhân. Các HTX này đã ngừng hoạt động kéo dài, chỉ tồn tại trên danh nghĩa, bộ máy quản lý và tài sản chung của HTX không còn.
Một số HTX còn vướng mắc công nợ như nợ thuế, nợ các tổ chức tín dụng, nợ xã viên và các tổ chức, cá nhân khác, một số đơn vị do xã viên nợ HTX không thu hồi được.
Hiện hầu hết các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, trụ sở làm việc; quy mô của các HTX còn nhỏ, sản xuất thủ công là chủ yếu, sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, thị trường chưa mở rộng… nên hoạt động chỉ cầm chừng, kém hiệu quả.
Gần 15 năm hoạt động, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhiều năm là HTX tiêu biểu sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh Yên Bái, thế nhưng tại thời điểm này, HTX Chè Hương Lý, huyện Yên Bình gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu như trước đây, vào thời kỳ cao điểm, 3 xưởng chè của HTX hoạt động hết công suất với 35 lao động thì giờ đây chỉ còn 1 xưởng hoạt động cầm chừng, hầu hết máy móc sản xuất chè đen đã phải thanh lý, chỉ còn hơn 10 lao động.
Thiếu nguyên liệu, khó khăn về thị trường xuất khẩu, chất lượng chè kém nên sản lượng chè bán ra thị trường giảm sút trầm trọng. Cụ thể là những năm trước, trung bình mỗi năm, HTX bán ra khoảng 400 tấn chè thì nay chỉ là 10 – 20 tấn chè xanh, chưa kể mặt hàng chè đen xuất khẩu đã phải dừng hẳn.
Ông Lương Ngọc Chiểu – Giám đốc HTX Chè Hương Lý cho biết: “Thời gian này, HTX chỉ hoạt động cầm chừng với sản phẩm chè xanh bán ra thị trường trong tỉnh. Nguyên nhân do toàn bộ vùng nguyên liệu của HTX ở các xã: Phú Thịnh, Văn Lãng, Đại Đồng và thị trấn Yên Bình đã bị người dân bỏ vì giá trị kinh tế không cao, không bảo đảm cho cuộc sống”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình được thành lập năm 2015, với ngành nghề chăn nuôi và trồng cây bảo vệ rừng. Thời kỳ đầu khi mới đi vào hoạt động, HTX chăn nuôi 1.500 con lợn, hơn 6.000 con gà, doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Hải – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn 6, xã Văn Lãng cho biết: “Hiện nay, HTX đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Chúng tôi có 9 trang trại chăn nuôi với 28 thành viên nhưng hầu như tài sản không có gì, trụ sở làm việc không có, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho xã viên cũng không. Vấn đề cấp bách bây giờ đối với HTX là việc tìm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho xã viên”.
Ông Phạm Ngọc Hữu – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết: Hầu hết các HTX hoạt động kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng hiện nay là do việc nắm bắt thông tin thị trường còn hạn chế, hầu hết vẫn phải tự tiêu thụ sản phẩm mình làm ra chứ không có sự hỗ trợ nào, đội ngũ cán bộ quản lý chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm.
Các HTX nông nghiệp vẫn còn lúng túng trong định hướng hoạt động, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với các thành viên. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Đáng chú ý là đa số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế và ít được đào tạo; tư duy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng chưa theo kịp sự phát triển của thị trường; thiếu tính nhạy bén, năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nữa là phần lớn HTX chưa tiếp cận được với cơ chế, chính sách, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước – ông Phạm Ngọc Hữu bổ sung thông tin.
HTX Chè Hương Lý đã liên kết để sản xuất sản phẩm chè xanh an toàn
Thay đổi về chất
Như vậy, để các HTX hoạt động hiệu quả cần đẩy mạnh việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình HTX liên doanh, liên kết với HTX, HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như mô hình liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên và Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình trong chuỗi quy trình trồng, thu gom, sơ chế, chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm măng Bát độ.
Theo lãnh đạo HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, từ khi liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành, sản phẩm của xã viên được bán với giá cao, được chế biến thành sản phẩm măng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, giúp bà con tăng thu nhập. Khi chưa thành lập HTX, 1 ha măng cho thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng nhưng khi thành lập HTX và thực hiện liên kết, liên doanh với Công ty thì giá trị kinh tế đã tăng lên 40 – 50 triệu đồng.
Thực tế hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay chỉ mới dừng lại ở khâu cung ứng dịch vụ đầu vào cho xã viên, còn hoạt động bao tiêu sản phẩm tại chỗ lại gần như bỏ ngỏ. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là các HTX nông nghiệp cần đổi mới cách nghĩ, cách làm thật cụ thể và cần phải coi đây là cuộc “cách mạng” trên mặt trận nông nghiệp, cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp.
Trước những khó khăn gặp phải, Ban Giám đốc HTX Chè Hương Lý, huyện Yên Bình đã tìm ra hướng giải quyết bằng cách liên doanh, liên kết với HTX Chè Bảo Hưng, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Sự liên kết này bước đầu đã đưa HTX phát triển ổn định.
Ông Lương Ngọc Chiểu – Giám đốc HTX Chè Hương Lý cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, bắt kịp xu thế, chúng tôi đã tiến hành liên kết với HTX Chè Bảo Hưng để sản xuất chè xanh an toàn. Hiện nay, sản phẩm chè xanh đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn”.
Văn Yên là địa phương được đánh giá có khu vực kinh tế tập thể phát triển mạnh nhất tỉnh. Toàn huyện có 57 HTX, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 5.000 thành viên và người lao động. Hầu hết các HTX trên địa bàn huyện đã hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả như: HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, HTX Q&C, HTX Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi…
Ông Hà Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Để mô hình kinh tế HTX trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ HTX; quan tâm xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tập trung củng cố các HTX hiện có, giải quyết dứt điểm những yếu kém của các HTX, lựa chọn ra những HTX kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng”. .
Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương thì các HTX phải đổi mới cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của các thành viên, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Ông Phạm Ngọc Hữu – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: “Giúp sức cho các HTX phát triển, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái sẽ tích cực hỗ trợ các HTX có nhu cầu chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của HTX; phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác tư vấn cho các HTX làm lành mạnh hóa công tác tài chính, xử lý các khoản nợ tồn đọng, không để phát sinh nợ mới trong HTX; kiên quyết giải thể các HTX đã ngừng hoạt động kéo dài”.
Kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tạo động lực cho kinh tế tập thể phát triển, tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã Nghị quyết thông qua Đề án phát triển HTX, tổ hợp tác tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030. Để các HTX hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực của chính các HTX.
Hồng Duyên
Nguồn http://www.baoyenbai.com.vn/