Ngày 1/12, tại Bến Tre, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ; Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương, địa phương, nhà khoa học và nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất giỏi trên các mô hình liên kết…
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội thảo
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh rất ít khi một đơn vị kinh tế có thể đảm nhận tất cả các khâu từ đầu vào đến đầu ra cho một sản phẩm; nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân… để phát huy thế mạnh, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh là một xu thế tất yếu.
Với xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, nước ta chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp tuy cũng phải đối mặt với nhiều thách thức bởi nền nông nghiệp dễ bị tổn thương.
Xây dựng nông nghiệp hiện đại, bền vững
Nông nghiệp cần tìm hướng phát triển theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản…Muốn vậy, cần phải đối thoại thẳng thắn, lắng nghe ý kiến trực tiếp từ nhiều phía để tìm ra những giải pháp, những mô hình liên kết hiệu quả nhất, đồng thời tìm ra những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhìn nhận: “Thực trạng của nền nông nghiệp nước ta nói chung và Bến Tre nói riêng trong thời gian qua vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc tới mùa mất giá luôn ám ảnh nông dân. Hàng hóa do nông dân làm ra, nhưng việc tiêu thụ và giá cả thì phụ thuộc vào thương lái. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Các mô hình mới chỉ là bước đi ban đầu, rất chập chững, còn lúng túng, chưa sâu. Vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt trong mối liên kết 4 nhà”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: “Những năm gần đây sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy vậy, những đánh giá mới nhất cho thấy nền nông nghiệp nước ta đang gặp khó khăn bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại, chất lượng nông sản thấp, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, việc tìm ra giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là cấp thiết”.
Trong sản xuất nông nghiệp, chuỗi giá trị phải bắt đầu từ nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp…Vì vậy, một trong những khâu quan trọng là đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Trong hội thảo này, vai trò hệ thống HTX nông nghiệp được đánh giá rất quan trọng trong chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư nông nghiệp, đến bao tiêu và tiếp thị sản phẩm cho người dân.
Các HTX trở thành “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất – HTX- thị trường. Tuy vậy, hiện các HTX nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Các hoạt động cung cấp, chế biến, tiêu thụ còn nhiều rời rạc, không đủ sức cạnh tranh, dẫn đến tình trạng người nông dân vẫn thường xuyên chịu cảnh “được mùa thì mất giá” và bị tư thương chèn ép.
“Việc liên kết, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, cần xác định được sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp có giá trị qui mô từng vùng, từng tỉnh, từng khu vực. Với điều kiện kinh doanh, thổ nhưỡng khác nhau, làm thế nào để đầu tư, quy hoạch trọng tâm để tạo ra lợi nhuận tiềm năng cho từng khu vực. Đi theo quy hoạch là cơ chế chính sách ưu tiên cho đầu tư, phát triển nông nghiệp, tạo lợi thế để nông nghiệp phát triển. Hiện tổng mức đầu tư vào nông nghiệp rất thấp, chỉ cần tăng tỷ trọng đầu tư lên 5-7%, sẽ làm thay đổi bộ mặt về nông nghiệp”, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX VN, phát biểu tại Hội thảo.
Hợp tác xã “đứng mũi chịu sào”
Vậy ai là tư lệnh, giữ vai trò chủ đạo trong chuỗi liên kết này, phải có người cầm chịch để nông nghiệp phát triển? Theo ông Võ Kim Cự, lĩnh vực nông nghiệp là vô cùng quan trọng nên rất cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhỏ, vừa đặc biệt là các HTX và bà con nông dân. Hiện nay, các vùng sản xuất lớn, hệ thống HTX luôn đi đầu trong việc kết nối, làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư, vốn, giống…. Vì vậy, các doanh nghiệp, HTX là những đơn vị “đứng mũi chịu sào” đưa nền nông nghiệp ngày càng phát triển.
Cũng theo ông Võ Kim Cự, cần xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, hạ tầng, mở ra việc chuyên môn hóa từ làm giống, công nghệ, sản phẩm, đến việc chế biến tiêu thụ. Làm được điều đó mới làm được nông nghiệp quy mô lớn, nếu không thì sẽ khó thành công. Việc xây dựng liên kết vùng chặt chẽ các sản phẩm chủ lực sẽ tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán trên thị trường. Về lâu dài, cần đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo thành chợ đầu mối để giao thương.
Đại diện cho một số HTX nông nghiệp làm ăn tốt, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu-Long An, cho biết: “HTX luôn tăng cường quảng bá, tiếp thị hình ảnh trái thanh long ra thị trường trong nước và quốc tế. Để xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Pháp,… HTX phải đầu tư, xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long sau thu hoạch. HTX còn đầu tư, xây dựng hệ thống sấy thử trái thanh long và liên kết doanh nghiệp nước ép trái cây để tiêu thụ thị trường trong nước”.
Ông An cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho các HTX chi phí thực hiện Viet GAP, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận khoa học công nghệ mới, ứng dụng vào trồng trọt để phục vụ xuất khẩu.
Ở góc độ chăn nuôi, Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công-Tiền Giang, cho biết: “HTX ra đời trong bối cảnh phong trào chăn nuôi tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không chủ động được giống, vốn, kỹ thuật, thu mua sản phẩm. Trước thực trạng trên, HTX ra đời với mục tiêu huy động vốn có hiệu quả, tổ chức các hộ chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị gia tăng và bao tiêu sản phẩm nhằm tạo ra lợi nhuận tối đa cho các hộ chăn nuôi”.
Toàn cảnh hội thảo
Các doanh nghiệp, chuyên gia tham gia hội thảo cũng khẳng định: Vấn đề thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế là vô cùng quan trọng. Nếu không có thị trường, thì các chiến lược, chương trình liên kết dù có tạo ra sản phẩm tốt, đến mấy cũng vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn, được mùa, mất giá…
Ts Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều liên kết, nhưng chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng để tồn tại, cạnh tranh. Chúng ta cần những doanh nghiệp đầu đàn, HTX đầu đàn. Tuy nhiên, người giám đốc HTX phải có cái đầu kinh doanh và trái tim nhân ái thì HTX mới có thể thành công. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cấu trúc, thay đổi mô hình phát triển HTX, mở rộng tích tụ ruộng đất phát triển quy mô lớn thì mới phát triển được nền nông nghiệp theo chuỗi giá trị lầu dài, bền vững được”.
Lê Thuận
Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn/