HỢP TÁC XÃ VẪN `SỐNG KHỎE` GIỮA ĐÀ NẴNG

0
533

Liên kết để phát huy thế mạnh của mỗi HTX, tạo ra chuỗi giá trị thực phẩm an toàn… là giải pháp mà các HTX nông sản tại Đà Nẵng hướng đến để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế đầy cạnh tranh.

Cửa hàng thực phẩm của Liên hiệp HTX Liên Thành
cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Minh Trang

      Đề cập đến vấn đề liên kết nhằm tăng chuỗi giá trị tại Đà Nẵng, trước hết phải nhắc đến điểm sáng là HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh.

Thành lập năm 2010, từ CLB sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của nông dân quận Thanh Khê, HTX Kim Thanh đã vượt qua không ít khó khăn để có được thành quả như hiện nay.

Với chiến lược nhanh nhạy, trong khi thị trường nấm tươi đối diện không ít khó khăn, HTX đã chế biến, đóng gói nấm hấp chín tẩm gia vị, nấm sấy khô. Những mặt hàng này đã từng tham gia nhiều hội chợ, được khách hàng ưa chuộng.

Không dừng lại ở quy mô đã có, HTX sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở sản xuất nấm ăn công nghệ cao, khép kín trên diện tích 5.000 m2. Từ cơ sở ban đầu chỉ vỏn vẹn 120 m2, đến nay, diện tích nuôi trồng của HTX đã mở rộng đến 8.660 m2, với sản lượng trung bình 150 kg nấm/ngày, thực hiện bao tiêu cho thành viên và các hộ sản xuất hằng ngày 175 kg nấm thương phẩm.

Từ khi thành lập đến nay, hằng năm HTX kinh doanh đều có lãi, doanh thu tăng từ 10-15%, giải quyết việc làm cho hơn 38 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Bí quyết thành công

Khi hỏi về chìa khóa thành công, ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch HĐQT chia sẻ HTX đặc biệt chú trọng đến xây dựng các mối liên doanh, liên kết với các đơn vị khác trên cơ sở cùng có lợi. Đặc biệt là liên kết với các HTX cùng ngành nghề làm nấm để tạo ra sự tương hỗ, bảo vệ lẫn nhau trong kinh doanh và dần hướng đến chuyên môn hoá trong các khâu sản xuất.

Từ đó, HTX đã mạnh dạn hợp tác, liên kết với các HTX cùng ngành nghề nấm tại Đà Nẵng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm nấm cho thành viên và nông dân thiếu việc làm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu ươm, nuôi trồng nấm, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất tại các xã Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Quý, Hòa Hải.

Để thành viên yên tâm sản xuất, HTX đã chủ động liên kết với công ty quản lý các chợ Đà Nẵng, nhà hàng, siêu thị để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Ông Nguyễn Tấn Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) cho biết, HTX Kim Thanh đã liên kết với HTX nông nghiệp Hoà Phong 2 xây dựng trang trại sản xuất nấm theo đặc thù khí hậu của Đà Nẵng.

Nhờ được “cầm tay chỉ việc”, bà con được hướng dẫn kỹ càng về quy trình làm nấm chất lượng, đồng thời HTX cũng là nguồn cung cấp vật tư, là nơi tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã tạo công ăn việc làm cho các thành viên của HTX nông nghiệp Hoà Phong 2, giúp đỡ bà con nông dân có thêm việc làm khi mùa vụ nhàn rỗi.

Không dừng lại ở sản xuất kinh doanh nấm ăn, nấm dược liệu theo đăng ký ban đầu, đến nay, HTX đã mở ra nhiều lĩnh vực mới như sản xuất, kinh doanh rau củ quả sạch, gia công hàng thủ công mỹ nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất nấm.

Thu hoạch nấm tại HTX Kim Thanh. Ảnh: VGP/Minh Trang 

Hình thành mô hình liên hiệp thực phẩm an toàn

Tiếp tục con đường thành công mà Kim Thanh đã thực hiện, ông Huỳnh Văn Mười đã đề xuất với Liên minh HTX Đà Nẵng và vận động các HTX nông sản tại Thành phố cùng liên kết lại.

Vào đầu tháng 11, lần đầu tiên tại Đà Nẵng đã xuất hiện mô hình liên hiệp HTX, đó là Liên hiệp HTX Liên Thành được Liên minh HTX Đà Nẵng hỗ trợ thành lập.

Liên hiệp HTX Liên Thành tập hợp 5 thành viên, gồm cac HTX: Kim Thanh, An Hải Đông, Nhơn Phước, Song Phước, rau Tuý Loan, với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thành một chuỗi giá trị thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Cửa hàng thực phẩm Liên Thành là nơi bán các sản phẩm sản xuất từ các HTX thành viên và cũng là nơi quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các HTX nông sản khác, bao gồm các mặt hàng nấm từ HTX Kim Thanh, An Hải Đông, Nhơn Phước, Song Phước; các loại rau, củ được sản xuất từ HTX rau Túy Loan, La Hường, Tiến Huy (Đà Lạt); cá từ HTX Hải Nhi; trứng, gà sạch từ HTX Hoà Phong; các loại nước mắm, cá khô sản xuất từ HTX Đông Hải, Hòa Hiệp, làng nghề nước mắm Năm Ô…

Đã trở thành khách hàng quen của cửa hàng, chị Trần Thị Hiền (quận Hải Châu) cho biết: “Tôi biết HTX thông qua tờ rơi giới thiệu. Thấy đây là cửa hàng rau sạch của các HTX nông sản sạch thì tới mua thử. Tất cả các sản phẩm đều có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả thì không hề cao so với ngoài chợ”.

Với các sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình VietGAP có sự kiểm soát chặt chẽ từ ban quản lý HTX và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như góp phần vào thực hiện chủ trương của UBND Thành phố về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm – ông Huỳnh Văn Mười chia sẻ.

Liên hiệp cũng đã đề xuất với Liên minh HTX Đà Nẵng về việc nhân rộng thêm nhiều cửa hàng thực phẩm sạch.

Hiện Liên hiệp đang chuẩn bị khai trương 2 cửa hàng ở quận Thanh Khê và chợ Hòa Khánh. Bên cạnh đó sẽ mở một số quầy hàng Việt Nam chất lượng cao tại 2 chợ trung tâm là chợ Hàn và chợ Cồn.

Theo báo Chính Phủ

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here