Chưa đầy 2 năm sau chuyển đổi phương thức hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX nông lâm nghiệp Công Tâm (Yên Bái) đang có những đột phá mạnh mẽ, với doanh thu tăng từ 3 tỷ lên gần 7 tỷ đồng/năm
Ông Trần Văn Kiên – Giám đốc HTX Công Tâm, chia sẻ: “HTX Công Tâm chính thức chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu tinh dầu quế, chất cháy từ cây quế (vỏ quế), sắn lát khô. Ngoài ra còn có các lĩnh vực “tay trái” như vận tải hàng hóa, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp…”.
Bước ngoặt bứt phá
Báo cáo của HTX Công Tâm năm 2016 cho thấy, so với thời điểm chưa chuyển đổi (trước năm 2015), vốn điều lệ của HTX tăng từ 1 tỷ đồng lên hơn 6 tỷ, vốn hoạt động tăng từ 1,5 tỷ lên hơn 7 tỷ đồng, doanh thu từ 2 – 3 tỷ lên 6 – 7 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 350 triệu lên xấp xỉ 400 triệu, nộp ngân sách 720 triệu, lao động thường xuyên tăng từ 25 lên 42 lao động.
“Những kết quả sau khi chuyển đổi giúp gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm của HTX, thúc đẩy thu nhập của người lao động tăng 40 – 50%, từ 3,3 triệu đồng/người/năm lên 4,5 – 5 triệu đồng/người/năm. Hai sản phẩm chính của HTX là tinh dầu quế và chất đốt (vỏ, lá quế)”, Giám đốc Trần Văn Kiên cho hay.
Với sản phẩm tinh dầu quế, bình quân mỗi năm HTX ép đạt 30 – 35 tấn. Để ép được khối lượng này, HTX cần hơn 7.000 tấn quế nguyên liệu. Không chỉ chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước, các sản phẩm của HTX đang được xuất sang Trung Quốc với khối lượng khá lớn. HTX đã ký hợp đồng với một công ty chuyên xuất nhập khẩu, nhằm giải quyết thủ tục nhanh gọn và giảm thiểu rủi ro.
Với sản phẩm chất cháy từ cành và lá quế, bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất 1.000 tấn, giá 900.000/tấn. HTX cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với công ty CP Năng lượng xanh Thăng Long (Hà Nội), để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Vào thời điểm cao điểm, HTX phải thuê thêm 1 – 2 xe khối lượng 20 tấn để trở sản phẩm đi tiêu thụ.
Ông Phạm Ngọc Hữu – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, đánh giá: Công Tâm là một trong những “sếu đầu đàn” của phong trào phát triển HTX tỉnh Yên Bái. Đây là đơn vị đi đầu trong việc liên kết, liên doanh giữa các HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả.
“Theo tôn chỉ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái xác định xây dựng chuỗi gia tăng giá trị là “chìa khóa” phát triển của HTX. Với HTX Công Tâm, để giúp họ tiếp cận được với đối tác từ Trung Quốc, chúng tôi đã phải tổ chức đàm phán trong nhiều ngày, tạo ra lợi ích tốt nhất cho HTX”, ông Hữu cho biết thêm.
Một góc nhà xưởng của HTX
“Mở khóa” những điểm nghẽn
Để đạt được những thành tích này, HTX đã mạnh dạn đầu tư cho cơ sở vật chất. Từ khi chuyển đổi, HTX đầu tư mở rộng một khu nhà xưởng hiện đại, mua mới một dây chuyền chưng cất tinh dầu quế, một ôtô tải, một hệ thống nhà kho chứa nguyên vật liệu và thành phẩm giá trị trên 5 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2016, HTX đã cải tiến, đưa dây chuyền sản xuất tinh dầu quế đi vào sản xuất với công suất 360 tấn lá quế/tháng, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn.
Giám đốc Trần Văn Kiên cho biết HTX Công Tâm đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và các đơn vị trực thuộc. Nhiều năm qua, HTX được vay vốn 280 triệu/năm từ quỹ hỗ trợ HTX tỉnh Yên Bái. Từ năm 2016, HTX tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam.
Tuy nhiên, dù nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, nhưng vốn vẫn là một trong những “điểm nghẽn” lớn của HTX. Theo Giám đốc Trần Văn Kiên, hiện tại các sản phẩm xuất sang Trung Quốc chủ yếu dưới dạng thô, do công nghệ chưa đủ để chế biến tinh. Hệ thống nhà xưởng trữ nguyên liệu cũng còn thiếu thốn khiến HTX phải nghỉ hoạt động 2 – 3 tháng/năm.
Trước những khó khăn này, đại diện HTX kiến nghị các cơ quan quản lý có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ về vốn, giúp HTX tiếp tục nâng cao dây chuyền công nghệ, tiến dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm đời sống kinh tế của thành viên.
“HTX đang rất cần sự hỗ trợ từ UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam nghiên cứu hỗ trợ đầu tư kinh phí cho HTX xây dựng thí điểm mô hình 2 – 5 ha trồng quế lấy tinh dầu từ bộ lá (không lấy vỏ), với mật độ 1,8 – 2 vạn cây/ha trong thời gian 3 – 5 năm. HTX cũng đang rất mong mỏi có một quỹ đất để xây dựng trụ sở chính khang trang hơn, nhằm nâng cao uy tín khi đàm phán với đối tác”, Giám đốc Trần Văn Kiên nói.
Theo thời báo kinh doanh