HTX TRẦN PHÚ: NỮ CHỦ NHIỆM ĐAM MÊ KINH DOANH

0
511

     Chị còn khá trẻ, nhưng đã từng trải nhiều năm buôn bán nhỏ, buôn chuyến đường dài, rồi làm trang trại chăn nuôi…… Và từ 2 tháng nay, chị thành lập HTX, với khát vọng tập hợp nhiều hơn chị em phụ nữ các dân tộc, để lấy ưu thế tập thể cùng kinh doanh những ngành nghề rất sẵn tiềm năng ở địa phương. Chị là Nguyễn Thị Huê, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Trần Phú (thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).


     Con đường mòn đi quanh co qua những nương chè dẫn chúng tôi đến HTX Dịch vụ Tổng hợp Trần Phú. Đây là HTX vừa được Liên minh HTX tỉnh Yên Bái tư vấn và hỗ trợ thành lập mới ngày 15/4/2013, có tổng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, với 7 nữ xã viên, trong đó có một xã viên người dân tộc Mường.

 

     Tại bước khởi đầu này, HTX bố trí trụ sở và dùng kinh phí hoạt động lấy từ nguồn sinh lời từ 2 khu trang trại chăn nuôi của nữ chủ nhiệm HTX, chị Nguyễn Thị Huê. Đến nay, HTX đã nhận đầy đủ con dấu, mã số thuế, giấy phép… và cũng làm xong biển hiệu HTX với các nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, đại lý thức ăn chăn nuôi, trồng cam, chè và dịch vụ vệ sinh môi trường.

 

     Chị Huê nhỏ nhẹ kể mình quê gốc ở huyện Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội), mới học xong cấp 2 đã phải theo gia đình đi Văn Chấn làm ăn, rồi ở lại lấy chồng và gắn bó với cuộc sống trên vùng cao này. Vóc dáng người tuy mảnh mai, nhưng chị Huê lại cần cù lao động, chịu khó tích lũy và có bản tính lúc nào cũng ham nghĩ cách làm giàu. Sau gần 20 năm miệt mài hái chè thuê, buôn từng cân chè, cam và táo, rồi chủ buôn ôtô xuôi ngược Yên Bái – Hà Nội, chị Huê cứ từng bước mua nhiều suất đất ở mặt đường, mua đất đồi rừng sản xuất và 2 năm nay đã gây dựng cơ nghiệp trang trại tiền tỷ.

  

 Nữ Chủ nhiệm Nguyễn Thị Huê


     Tiếp chúng tôi lúc vừa xuất bán xong lứa gà lớn, chị Huê nhân thể nói luôn những khó khăn của người làm trang trại trên vùng cao. Nhà chị có trang trại chăn nuôi gà giữa thung lũng đất đồi rộng 3.500m2, trong đó 2 khu chuồng trại rộng 700m2 ứng dụng công nghệ cấp nước tự động và quạt gió điều chỉnh nhiệt, kế bên là kho cám và nhà chứa máy bơm, máy phát điện. Tính ra, tiền xây dựng và lắp đặt thiết bị chuồng trại gần 1 tỷ đồng, tiền thức ăn mỗi lứa gà khoảng 800 triệu đồng, chưa kể chi phí tiền thuốc phòng dịch bệnh, tiền công kỹ thuật chăm sóc…

 

     Quá trình 2 năm làm trang trại, chị Huê chủ yếu đối mặt với cái khó về vốn đầu tư lớn mà toàn phải vay lãi ngoài. Hơn nữa, ở Yên Bái không nhiều mô hình trang trại chuyên nuôi gà trắng thương phẩm, nên chị thường phải bán về dưới xuôi, chi phí vận chuyển tốn kém hơn, nên lãi không cao.

 

    Bởi thế, mô hình HTX ra đời để thay thế “cái áo” trang trại đến lúc chật hẹp như phù hợp với lẽ tự nhiên. Chị Huê không chỉ hy vọng tới đây được Liên minh HTX tỉnh tư vấn vay vốn ngân hàng và hỗ trợ vay các nguồn vốn khác, mà còn có cơ hội học hỏi nâng cao kinh nghiệm quản lý và giao lưu tìm đầu ra sản phẩm tại chỗ cho trang trại, cho HTX.

 

     Chị Huê tâm sự, bộ máy HTX đến giờ chủ yếu do Chủ nhiệm HTX cáng đáng, kế toán và nhân viên kỹ thuật phải hợp đồng theo vụ việc. Dù mới hiểu phần nào về HTX, nhưng chị biết đi từ trang trại lên HTX vừa tạo thêm việc làm ổn định cho gia đình, vừa có điều kiện thu hút nhiều hơn chị em phụ nữ ở địa phương. Ngoài 7 xã viên có nhiều đất trồng chè và trồng cam, thì còn khoảng 10 chị em khác đều là dân tộc Dao, Tày, Mường… đang rất muốn tham gia HTX.

 

     “Tôi còn nhiều tham vọng kinh doanh, nhưng bây giờ phải làm tốt các khu trang trại và đại lý thức ăn chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Khi có đồng vốn tích lũy và được vay thêm vốn ngân hàng, tôi đang lo liệu trước mọi việc để HTX sẵn sàng mở thêm nghề sản xuất than sinh học”, chị Huê cho biết. Theo chị Huê, việc mở thêm nghề sản xuất than sinh học sẽ tận dụng được tiềm năng lớn về nguyên liệu là mùn cưa, gỗ vụn của rất nhiều xưởng chế biến gỗ rừng trồng đang “mọc” ngày càng nhiều quanh vùng. Than sinh học sẽ thay thế bếp than tổ ong đang rất ô nhiễm môi trường hiện nay.

 

Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here