NGÂN HÀNG HTX: “BÀ ĐỠ” CHO QUỸ TÍN DỤNG CƠ SỞ

0
548
alt

     Hoạt động như một ngân hàng với đầy đủ các chức năng huy động, cho vay đối với xã hội, nhưng Ngân hàng HTX (Co-op Bank) ra đời với mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).


    Co-op Bank đã tổ chức Đại hội thành viên lần đầu tiên, nhằm hoàn thiện hồ sơ để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của Co-opBank. Dự kiến, Co-opBank sẽ chính thức hoạt động vào đầu quý II/2013.


     Sau khi hoạt động theo mô hình ngân hàng, ngoài 26 chi nhánh và 70 phòng giao dịch, Co-opBank sẽ mở thêm các chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc tại các địa phương có nhiều QTDND cơ sở hoạt động. Cụ thể, sẽ thành lập 6 chi nhánh tại Hà Nam, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Yên Bái, Tây Ninh và Đồng Tháp. Ngoài ra, sẽ mở thêm 50 phòng giao dịch tại 26 chi nhánh hiện có và chi nhánh dự kiến thành lập.


Ngân hàng tổ chức theo mô hình HTX

     Hẳn nhiều người còn nhớ vào những năm 1989, đầu năm 1990, lạm phát liên tục “phi mã” và hàng loạt tổ chức tín dụng (TCTD) đứng bên bờ vực phá sản, nhất là các QTD đô thị. Điều này đã gây tác động lớn tới các thành viên là QTD cơ sở cũng như chính trị xã hội trong nước.


     Tuy nhiên, với đặc thù của nước ta, chủ yếu là khu vực nông thôn nên nhu cầu phát triển HTX tín dụng để đáp ứng những nhu cầu vốn nhỏ của người nông dân. Chính vì vậy, NHNN đã thiết kế lại mô hình QTD với sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên mà trong đó, Co-opBank là ngân hàng của tất cả các QTD cơ sở do các QTD cơ sở và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật các TCTD năm 2010.


     Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT Co-opBank, cho biết hiện một số nước trên thế giới xây dựng thành công mô hình này, như Pháp, Hà Lan, Đức,Canadavà có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Bản thân các ngân hàng HTX và QTD cơ sở đã có sự phát triển và liên kết chặt chẽ.


     “Ở ViệtNam, mô hình này mới hình thành và phát triển khoảng 20 năm. Vì vậy, để bảo đảm sự an toàn thì song song với việc xây dựng các QTD cơ sở, NHNN cần phải xây dựng các tổ chức liên kết. Bởi vốn liếng của các QTD cơ sở rất nhỏ và năng lực quản trị kinh doanh còn yếu. Việc xây dựng các tổ chức liên kết này để hỗ trợ vốn cho các QTD khi thiếu vốn nên thực chất Nhà nước phải xây dựng các tổ chức liên kết này. Nếu đã đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các QTD cơ sở thì tổ chức liên kết có thể cho vay ra ngoài”, ông Khánh cho biết.

alt


     Co-opBank có mô hình tổ chức như mô hình kinh tế HTX, nhưng lại được quản lý như một ngân hàng. Thực tế, Co-opBank hoạt động như một ngân hàng với đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ tín dụng nhưng có phần nào bị hạn chế hơn. Vì có một vài sản phẩm, dịch vụ nếu muốn cung cấp thì phải xin phép NHNN, như mở tài khoản ngoại tệ nước ngoài, cho vay các tổ chức tín dụng khác…


Không chỉ là đổi tên

     Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của QTDND Trung ương thành ngân hàng cũng nhận được không ít những ý kiến băn khoăn, bởi bản thân QTDND Trung ương đang có hai vấn đề lớn.


     Thứ nhất là do năng lực tài chính còn yếu, dẫn đến hạn chế khả năng điều hòa vốn, khả năng tư vấn, chăm sóc, phát triển công nghệ, sản phẩm ngân hàng hiện đại để hỗ trợ các QTD cơ sở.


     Thứ hai là QTDND Trung ương còn có những hạn chế về vai trò kiểm tra giám sát, do không được cung cấp thông tin đầy đủ về hoạt động của QTD cơ sở. QTDND Trung ương không được kiểm tra các mặt hoạt động nghiệp vụ toàn diện nên khó phát hiện sai phạm trong hoạt động của các QTD cơ sở; nhiệm vụ liên kết giữa QTDND Trung ương với các QTD cơ sở còn chung chung.


     Phó Thống đốc NHNN, ông Đặng Thanh Bình, nhấn mạnh việc chuyển đổi QTDND Trung ương thành Co-opBank không chỉ về mặt pháp lý, mà với sự chuyển đổi này, chức năng nhiệm vụ của Quỹ có thay đổi căn bản. QTDND Trung ương phải hoàn thiện mô hình, gắn liền với việc tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra và giám sát hoạt động cũng là một yêu cầu hết sức cấp thiết.


     Ông Bình cho biết từ kinh nghiệm của các nước đã xây dựng thành công mô hình TCTD hợp tác cũng như thực tiễn hoạt động của hệ thống QTD cơ sở, Luật Các TCTD năm 2010 đã dành riêng 16 điều (chưa tính các điều khoản áp dụng chung cho tất cả các loại hình TCTD) để điều chỉnh hoạt động của loại hình TCTD hợp tác.


     Lần đầu tiên, khái niệm và nội dung hoạt động của Co-opBank được quy định rõ, trong đó tính liên kết giữa Co-opBank với các QTD cơ sở đã được Luật điều chỉnh cụ thể, chặt chẽ hơn. Có thể nói đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Co-opBank, hệ thống QTD cơ sở có một hành lang pháp lý rõ ràng, giúp cho việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống các TCTD chặt chẽ hơn.


     Để làm sáng tỏ hơn những nội dung quy định trong Luật Các TCTD năm 2010, vừa qua, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012, quy định về hoạt động của Co-opBank. Đây là bước cụ thể hóa, là cơ sở để thực hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD hợp tác được nêu trong Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011 – 2015.

Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here