SẢN XUẤT RAU AN TOÀN Ở THÀNH PHỐ YÊN BÁI: CẦN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CANH TÁC THEO CHUỖI

0
707

YBĐT – Đề án Sản xuất rau an toàn của thành phố triển khai thực hiện tại 3 xã: Âu Lâu, Tuy Lộc và Văn Phú, đến nay đã cơ bản đạt được kết quả so với mục tiêu đề ra.


Sản phẩm rau sạch luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn (ảnh minh hoạ)

Các xã đã thành lập 4 tổ hợp tác rau theo chuỗi và được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Diện tích trồng rau vượt so với mục tiêu của Đề án. Các hộ tham gia đã cơ bản thay đổi được phương thức canh tác cũ. Sản phẩm đã được cơ quan Nhà nước kiểm định chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được người tiêu dùng biết đến.

Tiếp tục thực hiện Đề án Sản xuất rau an toàn của thành phố năm 2017, xã Âu Lâu đã vận động 19 hộ dân thôn Đồng Đình đăng ký với diện tích gieo trồng 1,23 ha. Ngoài ra, tại thôn Đầm Vông cũng đã đăng ký thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn trong vụ xuân hè với 3 thành viên. Được biết, từ năm 2016, 19 hộ dân của thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu đã tham gia Đề án với nhiều loại rau cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy trình sản xuất rau do ngành chuyên môn hướng dẫn. Rau của tổ hợp tác tiêu thụ tốt thông qua việc ký được ngay hợp đồng với doanh nghiệp để cung ứng rau ra thị trường hàng ngày. Âu Lâu cũng là xã tổ chức thực hiện việc sơ chế, bao gói sản phẩm trước khi bán ra thị trường tốt nhất. Các hộ cũng chú trọng phân bổ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu loại rau bảo đảm hợp lý và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bà Đào Thị Bồng ở thôn Đồng Đình là một trong những hộ dân đã tham gia trồng 2 sào rau an toàn cho hay: “Trồng rau an toàn cũng đơn giản, chủ yếu là tuân thủ theo đúng quy trình. Năng suất, sản lượng rau cũng đạt hiệu quả như trồng rau truyền thống. Tuy nhiên, do diện tích trồng rau an toàn của gia đình ở vùng trũng nên vụ hè hay bị ngập, chủ yếu trồng vào vụ đông xuân với các chủng loại rau đa dạng, phong phú”.

Tại xã Tuy Lộc, ngay khi được chọn tham gia Đề án, xã đã chủ động tuyên truyền đến nhân dân và nhanh chóng thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại thôn Minh Long với 56 thành viên và tham gia trồng vào vụ đông. Trong vụ sản xuất rau xuân – hè 2017, xã Tuy Lộc có 40 hộ tham gia thực hiện Đề án với diện tích trên 4 ha. Kết thúc vụ sản xuất, sản lượng rau an toàn đạt 43 tấn. Trong vụ rau hè – thu 2017, xã có 55 hộ đăng ký tham gia trồng rau an toàn với diện tích trên 4,1 ha.

Về hiệu quả của Đề án sản xuất rau an toàn được triển khai trên địa bàn, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc khẳng định: “Đề án triển khai trên địa bàn xã đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Điều đáng nói là đã thay đổi tư duy của người sản xuất từ manh mún sang tập trung và từ truyền thống sang sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, giảm công lao động do áp dụng cơ giới hóa và sản xuất. Tăng giá trị trên một đơn vị đất canh tác và bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng”.

Trên thực tế, ngay khi triển khai Đề án, UBND thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo 3 xã hoàn thành tốt các điều kiện phục vụ cho sản xuất rau an toàn. Thành phố đã thực hiện hỗ trợ gần 623 triệu đồng, đạt gần 89% so với kinh phí của Đề án. 

Bình quân một thành viên tham gia sản xuất rau an toàn được hỗ trợ gần 2,9 triệu đồng/năm. Thành phố đã chỉ đạo UBND các xã và ngành chuyên môn quản lý nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm rau an toàn. Đến nay, 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn đã được cấp giấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Về sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố và ngành chuyên môn đối với các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, ông Bùi Văn Trung – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Văn Phú cho rằng: “Ngay từ khi có chủ trương trồng rau an toàn, chính quyền và ngành chuyên môn từ thành phố đến cơ sở đã tuyên truyền, động viên để người dân tham gia. Quá trình thực hiện cũng thường xuyên quản lý, giám sát chặt chẽ các khâu, nhất là khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để người sản xuất hiểu và tuân thủ”.

Qua 2 năm sản xuất rau an toàn cho thấy, việc triển khai Đề án bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng diện tích trồng tại 3 xã đạt trên 10,8 ha, vượt 12% ha so với mục tiêu Đề án. Trong đó, diện tích làm nhà vòm che thấp và nhà lưới đơn giản trên 9 ha, vượt trên 134% so với mục tiêu Đề án. 

Đề án đã thu hút 109 hộ tham gia sản xuất ở 4 tổ hợp tác sản xuất rau theo quy trình và có 3 tổ hợp tác đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng tổ hợp tác thôn Đầm Vông đang hoàn tất các thủ tục công nhận. Tổng sản lượng rau đạt trên 161 tấn các loại. 

Đánh giá về việc áp dụng quy trình trong sản xuất rau của các hộ tham gia Đề án, ông Nguyễn Quốc Huy – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái cho biết: “Thời gian đầu mới tham gia thực hiện sản xuất rau an toàn, người dân hầu như còn chưa quen với việc sản xuất theo quy trình. Do vậy, cán bộ khuyến nông đã phải tích cực bám sát cơ sở, hướng dẫn các hộ sản xuất theo hướng cầm tay chỉ việc. Đến nay, các hộ tham gia Đề án đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình sản xuất. Bước đầu, nhiều người tiêu dùng đã biết đến và tin tưởng vào sản phẩm rau an toàn của thành phố”.

 

Nông dân xã Tuy Lộc chăm sóc rau an toàn.


Có thể nói, bước đầu Đề án sản xuất rau an toàn của thành phố đã tạo ra được một lượng sản phẩm rau an toàn và được công nhận; hình thành được các mô hình canh tác theo chuỗi sản xuất an toàn để nhân dân trên địa bàn học tập, áp dụng. Tổ hợp tác thôn Minh Long, xã Tuy Lộc phát triển thêm 2.000 m2 nhà lưới đơn giản; xã Âu Lâu đã nhân rộng sản xuất rau tại thôn Đầm Vông; Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Yên Bái đang tiến hành lắp đặt hệ thống nhà màng để trồng rau thủy canh tại thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo với quy mô 2.000 m2. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án Sản xuất rau an toàn ở thành phố thời gian qua cũng phát sinh không ít khó khăn, tồn tại.

Trong đó, việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào thị trường, vào mùa vụ. Tổ hợp tác chưa phát huy được vai trò trong điều hành, các thành viên không thống nhất được việc mở quầy và giới thiệu sản phẩm tại các chợ mà thành phố đã bố trí. 

Các chủng loại rau còn chưa đa dạng và thường trồng ồ ạt vào cùng thời điểm nên có những lúc rau khan hiếm lại không có để bán, lúc thu hoạch rộ lại không có nơi tiêu thụ và giá giảm. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau an toàn chưa thường xuyên…

Hiện, thành phố đã xác định sản xuất rau an toàn là xu thế của thị trường trong thời gian tới, mục tiêu phấn đấu tất cả các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, thành phố xây dựng Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch và mở rộng sản xuất rau an toàn; đồng thời, duy trì và phát triển tốt diện tích rau an toàn hiện có.

M.T 

Nguồn http://www.baoyenbai.com.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here