CẦN NGĂN CHẶN SỰ SUY GIẢM VÙNG CHÈ

0
538

YBĐT – Diện tích chè ngày một giảm trầm trọng; nhiều diện tích bị bỏ hoang; năng suất, sản lượng suy giảm hàng ngàn tấn; nhà máy thiếu nguyên liệu, nửa sản xuất nửa đóng cửa; người làm chè không sống bằng chè… đó là những gì đang diễn ra ở các vùng chè Yên Bái. Tỉnh cần có những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để giữ và phát triển ngành chè thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế.

Cần tăng cường mối liên kết 4 nhà, đặc biệt là giữa chính quyền, doanh nghiệp
và nông dân để ổn định và phát triển vùng chè. (Ảnh: Hoàng Nhâm)

 

Ba giảm ở vùng nguyên liệu

Yên Bái nằm trong hàng tốp đầu toàn quốc về diện tích chè với trên 12.000 ha, sản lượng búp tươi đạt 90.000 tấn/năm và có 115 nhà máy chế biến lớn nhỏ. Hàng vạn hộ nông dân đã sống và gắn bó với chè từ hàng chục năm qua. Cây chè không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn là một ngành chế biến quan trọng có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, những đồi chè quốc doanh đầu tiên được trồng một cách bài bản, những nhà máy chè quốc doanh lừng lẫy một thời như: Nhà máy Chè Trần Phú, Nhà máy Chè Nghĩa Lộ, Nhà máy Chè Liên Sơn, Nhà máy Chè Văn Hưng… vẫn còn đó, hàng năm vẫn có hàng chục tỷ đồng đầu tư cho vùng chè, rồi đề án, dự án cả trăm tỷ đồng đổ vào vùng chè. Thế nhưng, việc sản xuất, kinh doanh chè đang ngày một suy thoái nghiêm trọng từ diện tích, năng suất đến sản lượng.

Theo Cục Thống kê tỉnh, tại thời điểm tháng 6/2017, diện tích chè toàn tỉnh chỉ còn 8.695 ha, giảm 2.420 ha so với cùng kỳ năm 2016 và giảm 961 ha so với thời điểm thống kê tháng 12/2016. Trong đó, huyện Trấn Yên còn khoảng 600 – 700 ha; Yên Bình còn khoảng 700 – 800 ha; thành phố Yên Bái còn khoảng 120 – 150 ha; diện tích các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn giảm đáng kể nhưng chưa có số liệu chính xác.

Đó là con số của Cục Thống kê, còn theo đáng giá của các địa phương con số này còn giảm hơn rất nhiều. Nhiều nguyên nhân dẫn tới diện tích chè giảm, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do nhiều năm trở lại đây giá chè tươi ở mức thấp, hiệu quả kinh tế không cao, do đó, các hộ dân không trồng mới, đầu tư chăm sóc nên năng suất chè giảm liên tục, nhiều vùng người dân tự chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả hoặc để hoang hóa. Xã Minh Bảo là “thủ phủ” chè của thành phố Yên Bái với trên 400 ha chè thì nay giảm còn chưa đầy 100 ha.

Tương tự, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình là vựa chè của huyện thì nay cũng giảm hơn nửa. Cũng theo Cục Thống kê, sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 32,7 nghìn tấn, giảm gần 6.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016 và đến tháng 8/2017 ước đạt 48.000 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2016. Còn theo các cơ sở chế biến, các doanh nghiệp chè thì sản lượng chè búp tươi tính đến thời điểm hiện nay chỉ đạt khoảng 50 – 60% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngành chế biến chè lao đao

Thời hoàng kim, Yên Bái có gần 13.000 ha chè, sản lượng thu hái đạt trên 100 ngàn tấn; hơn chục vạn dân sống bằng nghề chè và chè cũng được coi là cây thế mạnh, cây xóa đói giảm nghèo. Diện tích chè nhiều cũng đồng nghĩa doanh nghiệp chế biến nhiều, với 115 cơ sở, nhà máy. Nhiều đến nỗi vượt quá gần 2 lần khả năng cung cấp nguyên liệu.

Dây chuyền máy móc cũ kỹ, lạc hậu và sự bung ra quá nhiều nhà máy chế biến đã làm chao đảo vùng chè. Đến nay, không ai có thể ngờ một ngành chế biến quan trọng, có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm lại đang “một sống, một chết” như vậy. Từ 115 cơ sở chế biến thì tại thời điểm tháng 7 – 8/2017 chỉ có 53 đơn vị hoạt động.

Không chỉ vậy, do nguồn nguyên liệu thiếu hụt nên chỉ có khoảng 10 đơn vị có nguyên liệu để sản xuất ổn định; các cơ sở còn lại, sản lượng chỉ đạt 30 -50% so với cùng kỳ năm 2016; một số đơn vị không có nguyên liệu chế biến. Để bổ sung nguồn nguyên liệu, một số đơn vị đã chủ động thu mua từ các tỉnh lân cận (Phú Thọ, Tuyên Quang) nhưng sản lượng không lớn.

Do thiếu nguyên liệu, nên một số doanh nghiệp đã dừng chế biến chè mà chỉ chuyên thu mua chè bán thành phẩm để sàng cắt, phân loại và làm thương mại (chi nhánh chè Yên Bái). Công ty cổ phần Chè CP chè Liên Sơn một thời là cánh chim đầu đàn của ngành chè Yên Bái, nay cũng đã dừng hoạt động. Hợp tác xã Chế biến Chè Hương Lý – một điển hình trong kinh tế tập thể nay đã dừng sản xuất… Sản phẩm chè của Yên Bái hiện nay chủ yếu chế biến chè đen theo công nghệ Orthodox chiếm 80%, còn lại xuất chè xanh chỉ tập trung tại một số vùng của Trấn Yên (xã Bảo Hưng); (xã Hán Đà, Văn Lãng) huyện Yên Bình và chè Shan vùng cao Văn Chấn.


Nguyên nhân

Tiềm năng, thế mạnh là vậy, nhưng sản xuất, kinh doanh chè cứ quẩn quanh trong vòng khốn khó. Năm được mùa rớt giá, năm thì lò chè quay tay hoành hành, năm thì chè “vàng”, chè bẩn bao vây, nhà máy, HTX, xưởng chế biến tư nhân tranh giành nguyên liệu. Hàng trăm héc – ta chè đang kỳ sung sức bị dân bỏ hoang, nhiều nhà máy, công ty đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, thị trường đầu ra sản phẩm không có.

Sản phẩm làm ra thì nhiều nhưng chất lượng kém và sản phẩm thô là chính nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà máy đổ lỗi cho nông dân, nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành chuyên môn đổ lỗi cho nhau và cuối cùng sự thua thiệt vẫn thuộc về nông dân.

Tỉnh Yên Bái đã đầu tư nhiều tỷ đồng để cải tạo giống chè, nhưng nhìn chung nguyên liệu búp cũng chẳng khá hơn; doanh nghiệp vẫn kêu ca vì nguyên liệu quá xấu và xấu không phải do giống kém mà do cung cách thu hái “tận diệt” của người dân.

Nông dân thu hái bằng liềm, không theo một phẩm cấp nào, nguyên liệu dài cả gang tay, đưa vào chế biến chè đen cũng khó thì nói gì đến chế biến chè chất lượng cao, chè xanh. Nguyên liệu tốt sau chế biến sẽ thu hồi được 45 – 50% chè phẩm cấp cao; chè cẫng chỉ 2 – 3% và nhiều lắm chỉ là 5%, nhưng với nguyên liệu hiện nay tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 30%, 17% là cẫng. Đó cũng là lý do tại sao giá chè đen Yên Bái thấp. Giá sản phẩm thấp cũng đồng nghĩa với giá thu mua nguyên liệu thấp.

Từ những yếu tố đó, người nông dân dần dần không mặn mà, không chăm bón chỉn chu cho cây chè mà chỉ tập trung vào bóc màu chè. Diện tích lớn nhưng năng suất sản lượng chè rất thấp; bình quân đạt chưa đầy 6 tấn/ha và bán với giá chè bình quân hiện nay thì 1 ha mỗi năm thu chưa đạt 20 triệu đồng; một con số quá thấp trong sản xuất và sử dụng đất đai trong sản xuất nông nghiệp.

 

Nông dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thu hái chè lai LDP1, năng suất đạt 13 tấn/ha.

 
Ngăn chặn sự suy giảm

Với quan điểm và xác định chè vẫn là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của cây chè trong suốt 50 năm qua. Để giữ và đưa ngành chè phát triển, nhất thiết chúng ta phải tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm.

Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết số 10 /NQ-HĐND ngày 10/4/2017 của HĐND tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020, ổn định diện tích 10.000 ha chè, trong đó chè Shan vùng cao 3.380 ha.

Nhưng hiện nay, diện tích chè đang bị giảm mạnh và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là cần đánh giá hiện toàn tỉnh còn bao nhiêu diện tích chè? Khả năng giữ lại được bao nhiêu? Có thể phát triển mở rộng được bao nhiêu diện tích và ở vùng nào? phải được cụ thể hóa. Trước mắt, phải bảo vệ diện tích hiện có, không để tình trạng chặt phá chè để trồng xen cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên diện tích đã quy hoạch trồng chè.

Tổ chức quản lý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, thâm canh nhằm khôi phục và tăng năng suất cho những diện tích chè hiện có. Tiếp tục chỉ đạo phát triển diện tích chè Shan vùng cao và trồng cải tạo thay thế giống chè vùng thấp. Xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và hộ trồng chè bền vững, hiệu quả. Khuyến khích các đơn vị chế biến, HTX chuyển đổi sang sản xuất chè xanh, chè có chứng nhận.

Tăng cường mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt giữa chính quyền, doanh nghiệp và hộ nông dân trong trồng, bảo vệ và phát triển sản xuất. Thực tế cho thấy, chỉ khi doanh nghiệp cùng đồng hành, cùng có trách nhiệm với người trồng chè thì mới có thể ổn định và phát triển. Do đó, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là cần phân vùng, giao vùng nguyên liệu cho cơ sở chế biến để doanh nghiệp có quyền lợi và trách nhiệm đối với người trồng chè trong vùng nguyên liệu của mình.

Trước mắt, ưu tiên các doanh nghiệp đã có lịch sử gắn bó, có hợp đồng liên kết đầu tư để làm cơ sở cho phân vùng nguyên liệu. Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn các hộ trồng chè áp dụng quy trình kỹ thuật đầu tư thâm canh cây chè, biện pháp phòng trừ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và các chứng nhận nông nghiệp khác theo yêu cầu của sản xuất.

Rà soát các cơ sở sản xuất chè, doanh nghiệp, cơ sở nào không đảm bảo các yêu cầu quy định, nhất là về an toàn thực phẩm cần xử lý theo đúng luật. Tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình sản xuất chè xanh chất lượng cao tại các xã có lợi thế  như: Suối Giàng (Văn Chấn), Bảo Hưng (Trấn Yên); Hán Đà (Yên Bình) để làm mô hình học tập, nhân rộng.

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, liên kết hoạt động trong HTX, tổ hợp tác hoặc các làng nghề sản xuất chè xanh nội tiêu và xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần có trách nhiệm đồng hành cùng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền các cấp để bảo vệ vùng chè với nguyên tắc “còn chè thì còn doanh nghiệp, hết chè hết doanh nghiệp”.

Hiện nay, thị trường chè đang thiếu nguồn cung, giá có xu hướng tăng mạnh, vấn đề chính hiện nay là nông dân cần tích cực đầu tư chăm sóc một cách bài bản, thu hái đúng kỹ thuật, doanh nghiệp có nguyên liệu tốt, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến chè đạt tiêu chuẩn để tham gia vào thị trường lớn. Tất cả cùng vào cuộc, cùng xây dựng và phát triển vùng chè, đưa ngành chế biến chè trở thành một ngành kinh tế chủ lực.

Ngọc Trúc

 

Nguồn http://www.baoyenbai.com.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here