Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương, từ năm 2020 đến nay, Đoàn xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập và quản lý 4 tổ hợp tác (THT) gồm: nuôi gà thả vườn, trồng dưa hấu, nuôi bò nái sinh sản, trồng ớt xuất khẩu.
Cây ớt đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho các tổ viên
Duy trì hoạt động của THT trồng ớt xuất khẩu, Đoàn xã đã thành lập nhóm Zalo để nắm bắt tình hình của các tổ viên, trao đổi mọi thông tin liên quan và quy trình hoạt động theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp (DN), đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Hiện tại, THT trồng ớt xuất khẩu có 24 thành viên, đa số là đoàn viên thanh niên, hoạt động theo Điều lệ của THT và hợp đồng ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Anh Đinh Văn Hoa – Trưởng thôn Bản Khinh, Tổ trưởng THT trồng ớt xuất khẩu cho biết: “THT thành lập ngày 11/01/2022 đã góp phần giải quyết hiệu quả khó khăn, vướng mắc là cung cấp đầu vào cho sản xuất cũng như việc tiêu thụ sản phẩm. THT đã thiết thực hỗ trợ các tổ viên chuyển đổi từ đất trồng lúa sang loại cây trồng có hiệu quả hơn và giải quyết việc làm ngay tại địa phương cho các đoàn viên thanh niên”.
Gia đình anh Đinh Văn Hoa đã trồng ớt xuất khẩu từ năm 2020 với diện tích 2.000 m2 trên đất lúa. Mỗi năm, anh trồng 1 vụ ớt, thu hoạch được 4 lứa trong một tháng và kéo dài trong 4 tháng. Nhờ đầu ra ổn định với giá bán 6.000 đồng/kg ớt xanh, trừ chi phí, anh thu về trên 60 triệu đồng mỗi năm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa.
Đặc biệt, khi tham gia THT, anh còn được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ khác. Cây ớt trồng từ tháng 1 và đến giữa tháng 3 thì được thu hoạch, ở thời điểm hiện tại cho hiệu quả cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, nếu so sánh giữa trồng ớt với trồng dưa hấu thì trồng ớt cũng tốn ít công hơn.
Hộ anh Đinh Xuân Thịnh ở thôn Đồng Lơi tham gia trồng ớt từ năm 2021 trên diện tích 3.000 m2 đất lúa. Anh Thịnh cho biết: “Nếu so sánh giữa trồng ớt với trồng lúa thì hiệu quả cao hơn hẳn mà kỹ thuật cũng không khó. Tính ra thì cứ 1.000 m2 trồng ớt nếu trừ hết mọi chi phí thì sẽ cho lãi khoảng 30 triệu đồng”.
Hiện, toàn bộ sản phẩm thu hoạch của THT trồng ớt xuất khẩu được bao tiêu bởi Hợp tác xã Quỳnh Anh với mức giá 6.000 đồng/kg ớt xanh, 7.000 đồng/kg ớt vàng theo đúng hợp đồng ký kết đầu vụ. Dù giá thu mua sản phẩm vẫn giữ nguyên nhưng khó khăn hiện nay là giá đầu vào cao so với năm trước, cụ thể là giá phân bón tăng gấp 3 lần.
Chị Hà Thị Vỹ – Bí thư Đoàn xã Thanh Lương cho biết: cả 4 THT hiện đều duy trì hoạt động và phát triển tốt, nhất là THT trồng ớt xuất khẩu. Thời gian tới, Đoàn xã có chủ trương mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu lên khoảng 10 ha, gấp đôi quy mô hiện nay.
Với mục tiêu này, Đoàn xã phối hợp cùng các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên sau khi tốt nghiệp cấp 3 nếu không tiếp tục theo học chuyên nghiệp thì ở lại địa phương tham gia phát triển kinh tế. Đoàn xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên mỗi diện tích đất canh tác.
Thành công của THT trồng ớt xuất khẩu là nhờ các tổ viên nghiêm túc chấp hành quy định hoạt động và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn yêu cầu của DN, quan trọng nhất là DN thực hiện hiệu quả việc bao tiêu sản phẩm. Điều này cho thấy, khi sản xuất nông nghiệp bám sát nhu cầu thị trường, có sự liên kết, gắn với tiêu thụ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, duy trì và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Báo Yên Bái