Đến Văn Yên (Yên Bái) đi đâu cũng gặp quế – một loài cây đã gắn bó với đời sống thường ngày của người dân. Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình mà cây quế không thể thiếu trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao Văn Yên.
Ở xã Đại Sơn, ông Hoàng Văn An là một trong những đại biểu người dân tộc thiểu số tiêu biểu có công trong kháng chiến được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch năm 1962. Năm 1970 khi xã phát động trồng “Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ” ông cũng trồng được 8 cây trong vườn nhà và đến năm 2000 ông đã bóc bán được 70 triệu đồng để mua công trái xây dựng Tổ quốc.
Người dân xã Viễn sơn thường nói đến ông Bàn Văn Quan như người sinh ra cây quế bởi ông là người đầu tiên trong xã đem quế về trồng trong vườn nhà. 75 tuổi – cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Quan vẫn lên rừng quế mỗi ngày. Cây quế đã gắn bó với ông gần cả đời người. Năm lên 9 tuổi, ông đã mang cây quế từ bản Đá Trắng về trồng chỉ vì ông thấy người dân bản Đá Trắng trồng quế bán được nhiều tiền, gia đình họ không nghèo đói. Từ trong vườn nhà, quế của ông vượt lên đồi, quế phủ xanh những mảnh nương bạc mầu. Quế giúp gia đình ông, họ hàng ông rồi cả người dân trong xã ông được no ấm. Và một tập quán mới của người Dao đã hình thành, cứ đến mùa xuân cả bản lại cùng nhau tạo ra những nương quế mới.
Quả thực, cây quế ở Văn Yên đã đóng góp đáng kể giúp người dân vượt qua đói nghèo với rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng /năm. Đặc biệt hơn cây quế đã trở thành món quà quý của cha mẹ dành giụm cho con khi dựng vợ, gả chồng. Quế được xem như của hồi môn, như là vốn liếng của cha mẹ giúp con tạo lập cuộc sống gia đình. Cây quế giúp người dân có nhà xây, giúp con em họ được học hành.
Hiện nay cây quế không chỉ có ở Viễn Sơn, Đại Sơn mà quế đã được phát triển ở 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên với 14.800ha. Cùng với một số loại cây kinh tế khác, quế đã và đang khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội của người dân nơi đây. Đó niềm tự hào của người Dao Văn Yên.
Huyện Văn Yên đã khảo sát được 90 cây quế đủ tiêu chuẩn giữ lại làm giống ở 3 xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm.
Huyện còn chủ trương đưa 12,5ha quế cây có đường kính 30cm trở lên và có chiều cao 15m trở lên tại 4 xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, để bảo tồn nguồn giống và làm tiền đề phục vụ du lịch.
Đến nay cả 27 xã, thị trấn trong huyện đã có trên 15.000ha quế. Quế trở thành cây cho thu nhập cao, tăng độ che phủ rừng, nhiều hộ đã làm giàu từ cây quế. Ngoài thu hoạch quế vỏ, thân quế đã bóc vỏ có “vanh” từ 35cm trở lên dùng chế biến gỗ nhân tạo, còn loại nhỏ bán làm cây chống dùng trong xây dựng. Là cây công nghiệp chủ lực nhưng vụ quế này người dân không mặn mà với việc thu hoạch. Nguyên nhân do giá quế thấp, trong khi công làm sạch thực bì, công làm cỏ, công bóc vỏ tăng cao, một số cây trồng trên đất dốc khác đang có giá trị trước mắt, nên cây quế bị “xuống hạng” ít nhà chú ý.
Để mở rộng diện tích trồng quế và bảo đảm nguồn giống tốt, huyện Văn Yên đang xây dựng thương hiệu quế Văn Yên, quy hoạch lại vùng trồng quế tập trung vào các xã vùng cao; thống nhất quản lý các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quế trên địa bàn. Trước mắt, các xã đã kiên trì thuyết phục đồng bào không phá quế trồng sắn (giá bán củ sắn tươi 120.000 đồng/tạ), ưu tiên phát triển giao thông nông thôn vùng cao để đồng bào thuận lợi trong vận chuyển sản phẩm quế đi tiêu thụ.