THĂM QUAN, HỌC TẬP KINH NGHIỆM GIỮA CÁC TỔ HỢP TÁC, HỢP TÁC XÃ TRỒNG, CHẾ BIẾN KINH DOANH RỪNG

0
614

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Liên minh Hợp tác xã và Hội nông dân tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 – 2020, nhằm hỗ trợ các hộ nông dân, các tổ hợp tác, HTX trồng, chăm sóc, sản xuất, kinh doanh rừng và gỗ rừng trồng trong việc tiếp cận thông tin, chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức chuyến thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng, chế biến kinh doanh rừng tại tỉnh Yên Bái.

Tham gia hoạt động này có nhóm dự án WE EFFECT – Liên minh HTX tỉnh, dự án FFF – Hội Nông dân tỉnh, đại diện Hội Nông dân một số huyện, xã; các HTX, tổ hợp tác trồng, sản xuất chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ rừng trồng thuộc vùng dự án.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ gia đình trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm rừng trồng. Tuy nhiên, không phải phương thức hoạt động của đơn vị nào cũng giống nhau. Qua hoạt động này, các tổ hợp tác, HTX đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với nhau về cách thức tổ chức hoạt động, sản xuất, chia sẻ tiêu chí lựa chọn Giám đốc HTX và thăm xưởng sản xuất của 2 HTX điển hình trong ngành nghề trồng và chế biến, kinh doanh các sản phẩm rừng trồng (quế, măng tre Bát Độ): HTX 6/12 và HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành -Trấn Yên. Tiền thân là các tổ hợp tác, 2 HTX đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi phát triển từ tổ hợp tác thành hợp tác xã.

Ông Trần Ngọc Sử – Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành chia sẻ, sau khi trở thành HTX, chúng tôi có tư cách pháp nhân và được phép ký kết hợp đồng kinh tế với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong những năm đầu tổ chức hoạt động HTX cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất là thiếu vốn hoạt động. Nhờ xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, hiệu quả, HTX đã duy trì được hoạt động thường xuyên, không để tính chất mùa vụ của sản phẩm ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động trong HTX, đồng thời tiêu thụ phần lớn sảm phẩm từ rừng cho các hộ gia đình nông dân trên địa bàn, doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước.

Chia sẻ bí quyết thành công, ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho rằng: Muốn thành công trong nghề này trước hết phải tâm huyết với rừng, trồng rừng nên kết hợp với chế biến thì mới đem lại hiệu quả cao và cần phải đảm bảo uy tín không chỉ với người lao động mà với cả người tiêu dùng.

Cũng trong dịp này, các tổ hợp tác, HTX đã được đại diện Hội Nông dân huyện Yên Bình chia sẻ thông tin về Chứng chỉ rừng bền vững (FSC).Việc quản lý và kinh doanh rừng theo tiêu chuẩn chứng chỉ FSC cho giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư và góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống. Hiện huyện Yên Bình có 1.737 ha rừng của 490 hộ dân đang tham gia thực hiện các quy trình để được cấp Chứng chỉ FSC. Việc đánh giá cấp chứng chỉ dựa trên sự tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chí quản lý rừng bền vững được quốc tế thừa nhận (10 nguyên tắc và 51 tiêu chí). Chứng chỉ có giá trị trong 5 năm, hàng năm cơ quan cấp chứng chỉ tiến hành kiểm tra đơn vị được cấp chứng chỉ về sự tuân thủ các tiêu chí rừng bền vững. Trong trường hợp các tổ chức được cấp chứng chỉ không tuân thủ theo đúng các tiêu chuẩn quy định về quản lý rừng bền vững thì chứng chỉ sẽ bị thu hồi. 

Chuyến thăm quan được đánh giá cao, đáp ứng được nhu cầu của cơ sở. Hy vọng rằng sau hoạt động phối hợp này, 2 dự án WE EFFECT và FFF sẽ xác định được nội dung hợp tác để người dân, các tổ hợp tác, HTX ngày càng nhận được nhiều lợi ích từ các dự án, góp phần phát triển kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

 

Một số hình ảnh:

               Thăm xưởng chế biến tinh dầu quế của HTX 6/12

Thăm xưởng chế biến măng tre Bát Độ của HTX DVTH Kiên Thành

          Chia sẻ kinh nghiệm về cách thức tổ chức hoạt động của HTX 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here