THÔNG TƯ Số: 41/2013/TT-BNNPTNT CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ NÔNG THÔN MỚI

0
658

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 41/2013/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2013

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ NÔNG THÔN MỚI

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Trên cơ sở thống nhất của các Bộ, ngành liên quan;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, làm cơ sở để đánh giá công nhận đạt từng tiêu chí và xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các xã trong phạm vi cả nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nông thôn là phần lãnh thổ được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Uỷ ban nhân dân xã.

2. Thôn là tên gọi chung của thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc… là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một xã.

3. Xã đặc biệt khó khăn, gồm:

a) Các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2012-2015 (gọi tắt là Chương trình 135); các xã bãi ngang ven biển; các xã hải đảo và các xã khác được hưởng cơ chế đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Chính phủ;

b) Các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và các xã thuộc các huyện có tỷ lệ nghèo cao được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP theo quy định của Chính phủ.

Chương II

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ ĐẠT CHUẨN

Điều 3. Tiêu chí quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch

Xã đạt tiêu chí khi đáp ứng đủ 03 yêu cầu sau:

1. Có quy hoạch nông thôn mới được lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 của liên Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được công bố rộng rãi tới các thôn.

2. Các bản vẽ quy hoạch được niêm yết công khai để người dân biết và thực hiện; hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch được duyệt.

3. Có Quy chế quản lý quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Tiêu chí giao thông

1. Xã đạt tiêu chí giao thông khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu:

a) Đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%;

b) Đường trục thôn được cứng hoá đạt tỷ lệ quy định của vùng;

c) Đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa đạt tỷ lệ 100%;

d) Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt tỷ lệ quy định của vùng.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Cứng hóa là đường được trải nhựa, trải bê tông, lát bằng gạch, đá xẻ hoặc trải cấp phối có lu lèn bằng đá dăm, đá thải, gạch vỡ, gạch xỉ.

b) Các loại đường giao thông nông thôn:

– Đường trục xã là đường nối trung tâm hành chính xã đến trung tâm các thôn;

– Đường trục thôn là đường nối trung tâm thôn đến các cụm dân cư trong thôn;

– Đường ngõ, xóm là đường nối giữa các hộ gia đình trong các cụm dân cư;

– Đường trục chính nội đồng là đường chính nối từ khu dân cư đến khu sản xuất tập trung của thôn, xã.

c) Quy mô đường giao thông nông thôn:

– Quy hoạch theo quy định của Bộ Giao thông vận tải: Việc quy hoạch và thiết kế giao thông nông thôn căn cứ vào tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 4054:2005 và Quyết định bổ sung số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011;

– Về xây dựng giao thông: Các xã phải căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế để xác định công trình ưu tiên, lộ trình thực hiện cho phù hợp. Nếu nguồn lực có hạn thì tập trung hoàn thành cắm mốc nền đường theo quy hoạch, xây dựng mặt đường nhỏ hơn, khi có điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng đủ quy hoạch;

– Đối với đường đang sử dụng: Nơi nào mặt đường hẹp, không thể mở rộng theo quy định thì có thể cải tạo, tận dụng tối đa diện tích 2 bên để mở rộng mặt đường, đồng thời nâng cấp tạo các điểm tránh xe thuận lợi dọc tuyến (đồng thời quy hoạch các bãi đỗ xe để các hộ có xe ô tô có thể gửi xe thuận lợi). Nếu mặt đường đảm bảo 80% theo quy định và đảm bảo các điều kiện trên thì coi là đạt tiêu chí tuyến đó.

Điều 5. Tiêu chí thuỷ lợi

1. Xã đạt tiêu chí thủy lợi khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Đạt tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương theo quy định (trừ các vùng không áp dụng kiên cố hoá);

b) Có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.

2. Giải thích từ ngữ

a) Kiên cố hoá là gia cố kênh mương bằng các vật liệu (đá xây, gạch xây, bê tông, composite) để bảo đảm kênh mương hoạt động ổn định, bền vững. Trường hợp tưới tiêu bằng đường ống cố định cũng được coi là kiên cố hoá.

– Tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá được tính bằng tỷ lệ % (phần trăm) giữa tổng số km kênh mương đã được kiên cố hoá so với tổng số km kênh mương cần được kiên cố hoá theo quy hoạch.

– Xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoặc những nơi chỉ cần kiên cố hóa cống bọng được áp dụng bằng tỷ lệ kiên cố hóa cống bọng. Các xã không có kênh mương, cống bọng thuộc diện cần kiên cố hoá thì được tính là đạt.

b) Hệ thống thủy lợi trong phạm vi xã, do xã quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh phải bảo đảm các yêu cầu sau:

– Có hệ thống công trình thuỷ lợi được xây dựng theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên bảo đảm phát huy trên 80% năng lực thiết kế;

– Phục vụ sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; Tạo nguồn để cơ bản đáp ứng yêu cầu nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động sản xuất phi nông nghiệp trên địa bàn;

– Có tổ chức (Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác) quản lý khai thác và bảo vệ công trình, đảm bảo kênh mương, cống, kè, đập, bờ bao. được vận hành có hiệu quả bền vững, phục vụ cho sản xuất, dân sinh, được đa số người dân hưởng lợi đồng thuận.

Điều 6. Tiêu chí điện nông thôn

1. Xã đạt tiêu chí điện nông thôn khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Có hệ thống đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện;

b) Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt quy định của vùng.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Hệ thống điện nông thôn bao gồm: Các trạm biến áp phân phối, các tuyến đường dây trung áp, các tuyến đường dây hạ áp, công tơ đo đếm điện năng phục vụ sản xuất và đời sống khu vực nông thôn.

b) Hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện được hiểu là đảm bảo đáp ứng các nội dung của Quy định kỹ thuật điện nông thôn (viết tắt là QĐKT-ĐNT-2006) ban hành kèm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BCN ngày 08/12/2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), cả về xác định phụ tải điện, lưới điện phân phối, trạm biến áp phân phối, đường dây cấp hạ áp, khoảng cách an toàn và hành lang bảo vệ, chất lượng điện áp. Cơ quan quản lý hệ thống điện trên địa bàn xã có trách nhiệm xác định mức độ đạt chuẩn của chỉ tiêu này.

c) Nguồn cấp điện cho nông thôn gồm: Nguồn điện được cấp từ lưới điện quốc gia, hoặc ngoài lưới điện quốc gia. Tại địa bàn chưa được cấp điện lưới quốc gia, tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương để xem xét, áp dụng phương tiện phát điện tại chỗ như thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, diesel hoặc kết hợp các nguồn nói trên.

d) Sử dụng điện thường xuyên là đảm bảo có điện sử dụng hàng ngày.

đ) Đảm bảo an toàn về điện khi đạt các quy định trong Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn điện (QCVN 01:2008/BCT) ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BCT ngày 17/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Điều 7. Tiêu chí trường học

1. Xã đạt tiêu chí trường học khi có tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia theo quy định của vùng.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Trường học các cấp thuộc xã bao gồm: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở.

b) Đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục:

– Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 theo Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ban hành tại Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 quy định tại Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

– Trường trung học cơ sở (THCS) đạt chuẩn quốc gia quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ngày 07/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.

c) Tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số trường, điểm trường đạt chuẩn cơ sở vật chất trên tổng số trường, điểm trường của xã.

Điều 8. Tiêu chí giáo dục

1. Xã đạt tiêu chí giáo dục khi khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

b) Đạt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học và tỷ lệ lao động qua đào tạo theo quy định của vùng.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Đạt phổ cập giáo dục THCS khi đạt 02 nội dung sau:

– Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt từ 90% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên;

– Tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15 đến hết 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS (bao gồm cả hệ bổ túc) từ 80% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên.

b) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học bậc trung học phổ thông, bổ túc trung học, học nghề (tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường dạy nghề) được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số học sinh tiếp tục học trên tổng số học sinh đã tốt nghiệp THCS.

c) Lao động qua đào tạo là lao động trong độ tuổi đã tham gia các khóa bồi dưỡng dạy nghề ngắn hạn hoặc đào tạo dài hạn được cấp chứng chỉ nghề hoặc văn bằng từ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên.

Điều 9. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

Xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

1. Có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các Trung tâm văn hóa – thể thao xã.

2. 100% thôn hoặc liên thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa – khu thể thao thôn.

Trường hợp sử dụng trụ sở thôn, đình làng hoặc nhà rông có trang thiết bị và nội dung hoạt động theo tiêu chuẩn nhà văn hóa thì cũng được công nhận đã có nhà văn hóa thôn.

Điều 10. Tiêu chí văn hóa

Xã được công nhận đạt tiêu chí văn hóa khi có từ 70% thôn trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” liên tục từ 05 năm trở lên.

Điều 11. Tiêu chí chợ nông thôn

1. Chợ đạt chuẩn khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Về công trình kỹ thuật: Có đủ các công trình của chợ nông thôn do xã quản lý (chợ hạng 3) được quy định trong TCVN 9211: 2012 Chợ -Tiêu chuẩn thiết kế ban hành tại Quyết định 3621/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia.

b) Điều hành quản lý chợ:

– Có tổ chức quản lý;

– Có Nội quy chợ do UBND xã quy định và niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm;

– Có sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa;

– Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Chợ đạt chuẩn chỉ áp dụng đối với các xã có chợ theo quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn được UBND cấp huyện phê duyệt;

b) Xã có chợ nhưng không thuộc loại quy hoạch của huyện thì xét theo quy định riêng (nếu có) của UBND cấp huyện.

Điều 12. Tiêu chí bưu điện

1. Xã đạt tiêu chí bưu điện khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Có ít nhất 01 (một) điểm cung cấp được 02 dịch vụ bưu chính và viễn thông đạt tiêu chuẩn ngành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 463/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2012 về việc ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới.

Đối với các xã đảo có từ 200 người dân trở lên phải có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính và viễn thông công cộng;

b) Có phủ sóng hoặc mạng để truy cập internet.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Điểm phục vụ bưu chính, viễn thông là địa điểm cung ứng một hoặc cả hai dịch vụ: Dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông công cộng do doanh nghiệp dịch vụ bưu chính viễn thông quản lý, đóng tại địa bàn xã.

b) Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.

c) Viễn thông là việc gửi, truyền, nhận và xử lý ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng thông tin khác bằng đường cáp, sóng vô tuyến điện, phương tiện quang học và phương tiện điện từ khác.

d) Dịch vụ viễn thông là dịch vụ gửi, truyền, nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ giá trị gia tăng.

Điều 13. Tiêu chí nhà ở dân cư

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí nhà ở dân cư khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Trên địa bàn không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát;

b) Đạt mức quy định tối thiểu của vùng về tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo ‘‘3 cứng’’ (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

b) Nhà ở nông thôn đạt chuẩn Bộ Xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Nhà ở đảm bảo “03 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) và diện tích nhà ở đạt từ 14m2/người trở lên;

– Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên;

– Các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi …) phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt;

– Kiến trúc, mẫu nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, vùng miền.

Điều 14. Tiêu chí thu nhập

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí thu nhập khi có mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã đạt mức tối thiểu trở lên theo quy định của vùng.

2. Phương pháp tính thu nhập bình quân/người/năm:

a) Thu nhập bình quân đầu người là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất trong năm của hộ chia đều cho số thành viên trong hộ.

b) Nguồn thu nhập của hộ gia đình bao gồm:

– Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, diêm nghiệp, sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế, các chi phí khác (nếu có);

– Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế, các chi phí khác (nếu có);

– Thu từ tiền công, tiền lương;

– Thu từ tiền công, tiền lương của thành viên trong gia đình làm việc phi nông nghiệp trong và ngoài địa bàn xã;

– Thu khác được tính vào thu nhập, như: Quà biếu, lãi tiết kiệm,…

c) Các khoản thu không tính vào thu nhập, gồm: Các khoản trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, rút tiền tiết kiệm, thu nợ, bán tài sản, vay nợ, tạm ứng.

d) Mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã sẽ do xã tự điều tra, thu thập thông tin và tính toán theo hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Thống kê. Chi cục Thống kê huyện có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các xã điều tra, đồng thời thẩm định trình UBND huyện công nhận.

Điều 15. Tiêu chí hộ nghèo

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí hộ nghèo khi có tỷ lệ hộ nghèo của xã ở dưới mức tối thiểu theo quy định của vùng.

2. Hộ nghèo nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn hộ nghèo được Thủ tướng Chính phủ quy định áp dụng cho từng giai đoạn.

Điều 16. Tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí này khi có tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên.

2. Lao động có việc làm thường xuyên của xã là những người trong độ tuổi có khả năng lao động, có đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã, có thời gian làm việc bình quân 20 ngày công/tháng trở lên trong năm cả ở trong và ngoài địa bàn xã.

Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là tỷ lệ phần trăm giữa số người lao động có việc làm thường xuyên trong tổng số dân trong độ tuổi lao động của xã.

Điều 17. Tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất khi có ít nhất 01 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác có đăng ký, hoạt động đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo Luật, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả khi đảm bảo 03 yêu cầu:

– Được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012;

– Tổ chức được ít nhất 01 loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu theo đặc điểm từng vùng phục vụ thành viên hợp tác xã và người dân trên địa bàn;

– Kinh doanh có lãi liên tục trong 03 năm liền kề (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liền kề có lãi liên tục).

b) Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đảm bảo 02 yêu cầu:

– Thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động theo đúng qui định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ và Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

– Hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi liên tục trong 03 năm liền kề được Uỷ ban nhân dân xã xác nhận (trường hợp mới thành lập thì cũng phải đủ 2 năm liên tục có lãi).

c) Liên kết giữa hộ nông dân (hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp, tổ chức khoa học hoặc nhà khoa học lâu dài là có hợp đồng được ký kết giữa các bên và thực hiện có hiệu quả các khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản với thời hạn tối thiểu 03 năm.

Điều 18. Tiêu chí y tế

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí y tế khi đáp ứng đủ 02 yêu cầu:

a) Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia;

b) Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt từ 70% trở lên.

2. Trạm xá xã đạt chuẩn quốc gia khi đạt các chỉ tiêu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 và được Sở Y tế xác nhận.

3. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế là tỷ lệ phần trăm (%) giữa số người dân trong xã có thẻ Bảo hiểm y tế còn hiệu lực trên tổng số dân trong xã.

Bảo hiểm y tế bao gồm: Bảo hiểm do nhà nước hỗ trợ, bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm tự nguyện.

Điều 19. Tiêu chí môi trường

1. Xã được công nhận đạt tiêu chí môi trường khi đạt được 05 yêu cầu:

a) Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định đạt mức quy định của vùng;

b) 90% cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường. (10% còn lại tuy có vi phạm nhưng đang khắc phục);

c) Đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh – sạch – đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường;

d) Nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch;

đ) Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo qui định.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định:

– Nước sạch theo Quy chuẩn Quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN: 02:2009/BYT) về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Thông tư số 05/2009/TT – BYT ngày 17/6/2009.

– Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thoả mãn yêu cầu chất lượng: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi;

– Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước theo Quy chuẩn Quốc gia theo vùng quy định như sau:

+ Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 45% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia.

+ Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long: 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia.

+ Bắc trung Bộ và Duyên hải Nam trung Bộ: 85% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Quốc gia.

b) Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường nếu trong quá trình sản xuất, chế biến có xả nước thải, chất thải rắn, mùi, khói bụi, tiếng ồn nằm trong giới hạn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và các văn bản khác có liên quan.

Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là chuồng trại đáp ứng các yêu cầu: Nằm cách biệt với nhà ở; chất thải chăn nuôi (phân, nước tiểu) được thu gom xử lý; không xả, chảy tràn trên bề mặt đất; không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

c) Đạt tiêu chí đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh – sạch – đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường khi đáp ứng các yêu cầu:

– Đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp;

– Trên 90% số hộ đã thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào; cổng ngõ không lầy lội;

– Không có cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sản xuất nghề tiểu thủ công nghệ, buôn bán phế liệu) gây ô nhiễm môi trường.

d) Nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch:

– Mỗi thôn hoặc liên thôn hoặc xã, liên xã có quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài phù hợp với tập quán của địa phương (trừ nơi có tập quán an táng không ở nghĩa trang);

– Có Quy chế quản lý nghĩa trang;

– Việc táng người chết phải được thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

đ) Rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý là:

– Hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn quy định; có hệ thống tiêu thoát (nước thải, chất thải sinh hoạt) đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm không khí và nguồn nước xung quanh;

– Mỗi khu dân cư tập trung của thôn, xã phải có hệ thống tiêu thoát nước thải thông thoáng, hợp vệ sinh;

– Thôn, xã có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung.

Điều 20. Tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh

1. Xã đạt tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh khi đáp ứng đủ 04 yêu cầu:

a) 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn;

b) Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định;

c) Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh” theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương tại Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW ngày 11/10/2011 về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên;

d) Các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội của xã được công nhận đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.

2. Giải thích từ ngữ:

a) Hệ thống tổ chức chính trị xã hội ở xã bao gồm: Tổ chức đảng, Chính quyền và Đoàn thể chính trị – xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh xã.

b) Cán bộ, công chức xã bao gồm các chức vụ, chức danh quy định tại Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn khi có đủ các điều kiện sau:

– Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông đối với khu vực đồng bằng và đô thị, tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên đối với khu vực miền núi, hải đảo;

– Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm;

– Trình độ tin học: Có chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên;

– Công tác lâu dài ở địa bàn dân tộc thiểu số, phải biết sử dụng thành thạo một tiếng dân tộc thiểu số chính trong khu vực;

– Sau khi được tuyển dụng phải hoàn thành chứng chỉ quản lý nhà nước và lý luận chính trị theo quy định;

– Tiêu chuẩn cụ thể đối với chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các chức danh này.

c) Danh hiệu: “Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh” do Ban Chấp hành đảng bộ huyện xét, công nhận hàng năm.

d) Danh hiệu chính quyền “Trong sạch, vững mạnh” do UBND huyện xét, công nhận hàng năm.

đ) Danh hiệu tiên tiến của các đoàn thể của xã do tổ chức đoàn thể cấp huyện xét, công nhận hàng năm.

Điều 21. Tiêu chí an ninh, trật tự xã hội được giữ vững

Xã đạt tiêu chí “An ninh trật tự xã hội được giữ vững” khi đạt 04 yêu cầu:

1. Không có tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chính quyền, phá hoại kinh tế; truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài;

2. Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không phát sinh thêm người mắc các tệ nạn xã hội trên địa bàn;

3. Trên 70% số thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự;

4. Hàng năm Công an xã đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến trở lên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Căn cứ các quy định của Trung ương để cụ thể hóa nội dung thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

2. Quy định mức đạt chuẩn nông thôn mới đối với từng khu vực trên địa bàn để phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn đảm bảo đạt mức chung của tỉnh theo quy định của Trung ương.

3. Giao các sở chuyên ngành chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện, đánh giá và thẩm định mức đạt từng tiêu chí, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành trên địa bàn căn cứ vào các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ, ngành trung ương.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này thay thế Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 11 năm 2013.

2. Khi có văn bản điều chỉnh các tiêu chuẩn ngành thì những tiêu chuẩn được trích dẫn cụ thể trong Thông tư này được áp dụng theo tiêu chuẩn mới khi các văn bản điều chỉnh các tiêu chuẩn ngành có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời bổ sung, sửa đổi. Các trường hợp đặc thù Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ;
– Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TW ;
– Văn phòng TW Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
– Toà án Nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
– MTTQVN và Cơ quan TW của các đoàn thể;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
– Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Website Chính phủ, Website Bộ NN & PTNT;
– Công báo;
– Lưu: VT, KTHT (300).
CVST
 Trần Văn Môn

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)

Cao Đức Phát

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here