CTTĐT – Trong những năm qua, kinh tế hợp tác nói chung, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động. Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả thu hút nhiều lao động địa phương.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 184 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 56% tổng số HTX toàn tỉnh, với trên 14.500 thành viên, các HTX hoạt động theo mô hình kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ sản xuất và chế biến, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho nông dân.
Từ khi luật HTX ra đời, nhất là Luật HTX sửa đổi năm 2012, đã tạo hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế tập thể có điều kiện để mở rộng sản xuất, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã khuyến khích mô hình kinh tế HTX ngày càng phát triển. Hiện đã có 53 HTX lĩnh vực nông nghiệp tổ chức lại theo Luật HTX 2012, chiếm 50,5% tổng số HTX hoạt động theo Luật HTX trên toàn tỉnh. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã chủ động vươn lên, trở thành chỗ dựa tin cậy cho xã viên, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thông qua các HTX, các đường lối, chủ trương của nhà nước, của tỉnh được phổ biến cho nông dân, đồng thời giúp sản phẩm nông nghiệp tìm được đầu ra. Các dịch vụ nông nghiệp cũng được ứng dụng một cách linh hoạt hơn, một số HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên
HTX dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, huyện Văn Yên là một trong số nhiều HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tháng 5/2015, HTX Dịch vụ Tổng hợp Công Tâm hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX 2012. Từ khi chuyển đổi hoạt động đến nay, vốn điều lệ của HTX tăng lên là 4 tỷ đồng, HTX đã giải quyết việc làm cho trên 42 thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,8 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời tiếp tục mạnh dạn huy động vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng 1 nhà xưởng trên 1.000m2, lắp đặt mới 1 dây chuyền chưng cất tinh đầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng, hệ thống nhà kho chứa nguyên vật liệu 3 nghìn m1 trị giá trên 5 tỷ đồng. Qua đó, HTX đã tạo việc làm có thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn 2 xã Viễn Sơn và Hoàng Thắng huyện Văn Yên. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, HTX đã cung ứng phục vụ cho trên 300 hộ dân các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời trực tiếp thu mua, tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con nhân dân như sắn củ, 1 nghìn tấn vỏ quế, 2 nghìn tấn lá quế để sản xuất và cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, còn nhiều HTX lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả từ đó giải quyết việc làm cho người lao động và các hộ trong vùng đem lại thu nhập cho các thành viên và người lao động như: HTX Thanh niên Q&C, huyện Văn Yên, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, HTX Dịch vụ Tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, hầu hết các HTX nông nghiệp hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, sản phẩm đầu ra chưa tập trung thành hàng hóa, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định; trình độ, năng lực quản lý còn yếu chưa đáp ứng với cơ chế thị trường; việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế…
Để khuyến khích mô hình HTX nông nghiệp phát triển ổn định bền vững, khai thác được tiềm năng thế mạnh của từng vùng, rất cần có sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các HTX, đặc biệt là các HTX kiểu mới. Tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm các HTX đang tồn tại hoạt động không đúng Luật, nhằm đưa hoạt động của các HTX thực sự hiệu quả, bình đẳng và lành mạnh; Gắn việc phát triển HTX với các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; thực hiện tốt cơ chế chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia phát triển sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó chú trọng lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số tại địa phương; Trên cơ sở rà soát tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương tiến hành chuyển đổi, thành lập mới các HTX nông nghiệp hoạt động theo hướng tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm nông, lâm nghiệp có lợi thế cạnh tranh tại địa phương, tiến tới xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hiền Trang
Nguồn http://www.yenbai.gov.vn/