TÍN DỤNG CHO DOANH NGHIỆP: BAO GIỜ HẾT CẢNH “MẶT TRĂNG”, “MẶT TRỜI”?

0
438

Theo thống kê, đến nay, chỉ có 339 trong số 1.277 doanh nghiệp của toàn tỉnh có quan hệ tín dụng với các ngân hàng.

Thiếu điều kiện, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng


Có thể nói, đồng vốn chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp phát triển ở tầm trung bình và thấp, tiền mặt còn chi phối gần như toàn bộ các lĩnh vực khác như: công nghệ, kỹ năng tổ chức quản lý, nguyên nhiên liệu đầu vào và thị trường bán ra… Nhận xét này càng chính xác hơn khi mà rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta “sống dựa vào vốn ngân hàng”, sự lệ thuộc đến mức hễ ngân hàng “hắt hơi, sổ mũi” là doanh nghiệp “ốm nặng”. Doanh nghiệp phải bớt dần lệ thuộc vào vốn ngân hàng; ngân hàng phải tìm cách tháo nút thắt về vốn cho doanh nghiệp đang là bài toán khó của nền kinh tế.


Chính phủ đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế với mục tiêu hết sức rõ ràng là tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát… Trong các nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hết sức đúng đắn ấy thì thị trường tiền tệ vừa được coi là mục tiêu vừa được xem là giải pháp. Với sự nỗ lực của Chính phủ, đến nay, chúng ta đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Cho dù chưa lấy lại được đà tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số như trước đây nhưng chúng ta đã có được sự tăng trưởng vững chắc; lãi suất ngân hàng giảm mạnh và tỷ lệ lạm phát ở mức thấp.


Về vấn đề lãi suất tín dụng, hiện nay, lãi vay đang duy trì ở mức 9% đến 11%/năm. Những doanh nghiệp có nền tài chính lành mạnh, những doanh nhân tâm huyết sẽ cho rằng, đây thực sự là mức lãi suất “trong mơ” bởi chỉ vài năm trước, lãi suất còn phổ biến ở mức trên 20%/năm mà các khách hàng không dễ gì tiếp cận.

Điều kiện vay vốn như hàng rào ngăn doanh nghiệp với ngân hàng
nhưng đồng thời cũng là biện pháp ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn.


Không chỉ lãi suất thấp mà nguồn vốn lại còn rất dồi dào song tất nhiên, các điều kiện để được tiếp cận với nguồn vốn giá thấp ấy thật không dễ: khách hàng nhất thiết phải có tài sản đảm bảo, phải có nền tài chính lành mạnh, phải có các dự án kinh doanh tốt… Đó là những quy định hết sức ngặt nghèo mà Nhà nước đã quy định để dòng tiền từ ngân hàng đến các doanh nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, đầu tư máy móc thiết bị, mua nguyên nhiên liệu… chứ không mang đi trả nợ món cũ quá hạn, lãi cao hoặc chi dùng vào những mục đích không sinh lời khác để rồi nợ xấu tăng cao, ngân hàng mất vốn.


Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 1.277 doanh nghiệp. Dù chưa có đánh giá chính thức nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, nhiều doanh nghiệp trong số ấy không hoạt động, còn lại cũng làm ăn không dễ bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có sự tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo thống kê, đến nay, chỉ có 339 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng với tổng dư nợ đến ngày 31/12/2013 là 3.275 tỷ đồng (giảm 122 tỷ đồng so với 31/12/2012) và đến ngày 28/2/2014 còn 3.258 tỷ đồng (giảm 17 tỷ đồng so với 31/12/2013). Có thể nói, lượng vốn ngân hàng Yên Bái tại các doanh nghiệp Yên Bái là quá thấp (còn nhiều dự án lớn sử dụng vốn vay từ các ngân hàng tại các tỉnh, thành khác) và như thế đương nhiên xuất hiện tình huống doanh nghiệp đang rất cần vốn để kinh doanh, còn các ngân hàng lại đang thừa vốn mà không biết cho ai vay.


Nguyên nhân của tình trạng này  theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Yên Bái cho thì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng như: chưa có phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo khả thi, không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết vay. Năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết cho vay doanh nghiệp là 2.640 bộ hồ sơ, còn lại 202 bộ hồ sơ không giải quyết được, nguyên nhân đều từ phía khách hàng (chưa có phương án khả thi là 104 bộ, không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ 88 bộ, nguyên nhân khác 10 bộ). Năm 2013, toàn tỉnh giải quyết cho vay doanh nghiệp 3.638 bộ, còn lại 177 bộ hồ sơ không giải quyết, nguyên nhân cũng đều từ phía khách hàng (chưa có phương án khả thi 90 bộ, không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn 76 bộ, nguyên nhân khác 11 bộ).


Hết quý I năm 2014, toàn tỉnh giải quyết cho vay 6.717 bộ hồ sơ vay vốn, trong đó cho vay doanh nghiệp 656 bộ, còn lại 55 bộ hồ sơ không giải quyết cho vay, nguyên nhân vẫn từ phía khách hàng và lý do vẫn là chưa có phương án khả thi là 24 bộ, không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ 23 bộ, nguyên nhân khác 8 bộ. Các ngân hàng thương mại từ chối cho doanh nghiệp vay còn vì tính minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp thường không cao, dẫn đến việc thẩm định cho vay gặp khó khăn và tài sản thế chấp của doanh nghiệp không đủ điều kiện để đảm bảo vay vốn ngân hàng.


Bên cạnh đó, tình hình tài chính của các doanh nghiệp luôn thuộc diện rất yếu, cụ thể vốn tự có tham gia vào sản xuất, kinh doanh thấp, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (NPT/VCSH) của nhiều ngành cao. Cụ thể, ngành xây dựng năm 2011 và 2012, tỷ lệ NPT/VCSH là 1,49 lần; ngành chế biến, chế tạo, tỷ lệ NPT/VCSH năm 2011 là 2,11 lần, năm 2012 là 1,94 lần. Tỷ lệ này cao phản ánh tài sản của doanh nghiệp chủ yếu được tài trợ bằng nguồn vốn đi vay. Trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp dễ gặp rủi ro trong việc trả nợ, trả lãi vay ngân hàng và nhu cầu với các khoản vay mới vì đây là một trong những chỉ số tài chính được ngân hàng xem xét đưa ra quyết định cho vay.


Vì những khó khăn nội tại, đại đa số các doanh nghiệp đang làm ăn trong cơn “khát vốn” mà chưa biết bao giờ mới được giải tỏa. Bên phía ngân hàng, áp lực tăng trưởng tín dụng đang đè nặng trên vai cán bộ, nhân viên nhưng đúng như nhiều cán bộ ngân hàng vẫn nói: “Còn cả trăm tỷ đồng trong kho thật nhưng không thể tự ý hạ bớt điều kiện cho vay. “Dễ tính” là mất vốn!”. Trước khi ngân hàng giảm bớt các điều kiện khắt khe thì doanh nghiệp buộc phải tự cứu lấy mình bằng việc cơ cấu lại nền tài chính, cơ cấu lại sản xuất, tìm kiếm những dự án khả thi cao, cao hơn nữa là giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay bằng nhiều nguồn khác như: cổ phần hóa, hợp vốn, liên doanh, liên kết… Thực tế, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng cần bảo toàn và phát triển nguồn vốn, cũng tính đến lợi nhuận… Thương trường luôn là một cuộc chiến, một cuộc chơi và sự tồn tại quy luật đào thải là tất yếu.

Nguôn http://www.baoyenbai.com.vn/

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here