Trong hội thảo HTX vùng núi cao thực hiện xóa đói giảm nghèo do Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) vừa tổ chức, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái giới thiệu 2 HTX điển hình về công tác này là Phù Nham và Tân Thịnh, với chủ ý làm rõ vai trò cán bộ HTX là nhân tố quan trọng, điều hành và hướng các hoạt động của HTX thúc đẩy hiệu quả hơn công tác xóa đói giảm nghèo tại địa bàn vùng sâu và xa.
Yên Bái nằm ở vùng núi cao phía Bắc, với đặc thù không những là nơi có mặt bằng kinh tế thấp, mà hầu hết cư dân ở nông thôn miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ và tập quán sản xuất hết sức khác nhau… Đây là vùng trọng điểm thực hiện chủ trương lớn “xóa đói giảm nghèo” của Đảng và Nhà nước ta.
Cán bộ HTX với cái nghèo vùng cao
Như Chủ tịch Liên minh HTX ViệtNamĐào Xuân Cần từng nói, nhân tố quyết định sự thành bại của HTX là cán bộ, mà là cán bộ trẻ! Điều đó thể hiện rõ ở HTX nông nghiệp Phù Nham, cán bộ trẻ đã nhận thức và phát triển HTX vừa vững vàng về kinh tế, vừa làm tốt vai trò an sinh xã hội.
Với quy mô toàn xã, HTX Phù Nham (huyện Văn Chấn) tập hợp trên 1.000 hộ xã viên, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, đều có trình độ văn hóa yếu và không đồng đều. Song, bởi HTX có đội ngũ cán bộ khá trẻ, nhất là nữ chủ nhiệm HTX mới 32 tuổi, nên sức trẻ, sự năng động đã giúp HTX vượt qua cái khó muôn mặt nơi vùng cao. Cán bộ trẻ quản trị HTX có chuyên môn hơn, nhạy bén đổi mới trang thiết bị, tập huấn tiến bộ KHKT, cải tiến cơ cấu giống cây con phù hợp nhất với đồng bào dân tộc…
HTX Phù Nham trợ vốn giúp hộ xã viên nghèo nuôi lợn siêu nạc
Gần đây, Ban quản trị HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn và kỹ thuật cho 20 hộ xã viên nghèo nuôi lợn siêu nạc “xoá đói nghèo”. Chủ nhiệm HTX còn năng động tiếp thu giống cây trồng năng suất cao vào sản xuất (như giống lúa ĐS1, khoai tây atlattic…), tạo thành vùng hàng hóa giá trị cao, mang lợi ích trực tiếp đến nhiều hộ xã viên HTX nghèo. Như năm 2011, HTX góp phần chủ yếu tăng 7% tổng sản lượng lương thực địa phương (so với năm 2010), đạt năng suất lúa cả năm 13,5 tấn/ha, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân.
Cũng ở huyện Văn Chấn, HTX Tân Thịnh lại là HTX mạnh về chế biến chè của tỉnh Yên Bái. Với 2 nhà máy chè công suất lớn, HTX trực tiếp tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giải quyết “đầu ra” cho hàng vạn hộ trồng chè. Đáng kể hơn, Ban quản trị HTX thực hiện chính sách cung ứng vật tư, phân bón không tính lãi.
Đến vụ chè, HTX thu mua sản phẩm theo giá thị trường và trừ dần tiền ứng qua từng đợt, giúp đa số nông dân nghèo yên tâm với cây chè. Năm 2011, HTX đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng, trả lương tháng người lao động 2 triệu đồng/người, mua BHYT cho 100% xã viên, đóng BHXH cho 19 xã viên và thường xuyên trích quỹ thưởng học sinh nghèo vượt khó.
HTX xóa đói nghèo
Năm 2011, UBND tỉnh Yên Bái đánh giá, các hộ nghèo tập trung rõ rệt ở vùng nông thôn, sâu xa và có đông người dân tộc thiểu số. Qua khảo sát, nguyên nhân dân nghèo đói chủ yếu do thiếu vốn, thiếu đất và phương tiện sản xuất, thiếu lao động, đông người ăn theo, không có việc làm, thiếu phương pháp làm ăn, chưa kể đến do nhân tai, thiên tai, địa hình rừng núi đi lại khó khăn.
Ở Yên Bái hiện có trên 2.500 tổ hợp tác và 319 HTX, phân bổ đều khắp trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố, thu hút gần 50.000 xã viên, thành viên tham gia. Riêng khu vực HTX tỉnh, năm 2011, có tổng vốn điều lệ 174,5 tỷ đồng, doanh thu 591 tỷ đồng, nộp ngân sách 20,5 tỷ đồng, bảo đảm đời sống việc làm cho trên 6.500 lao động với mức thu nhập hàng tháng 1,5 – 1,7 triệu đồng/người.
Thật ý nghĩa, khi hầu hết các HTX đều thể hiện là lực lượng chủ yếu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, gìn giữ ổn định an sinh xã hội tại địa bàn vùng sâu, vùng xa có mặt bằng kinh tế thấp và chậm phát triển.
Theo bà Phạm Thị Phương Đông, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, để HTX tăng cường thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo cần có nhiều nhóm giải pháp vĩ mô về nâng cao nhận thức, cơ chế chính sách, phát triển và nhân rộng mô hình HTX gắn với an sinh xã hội cho người nghèo, tăng cường công tác quản lý nhà nước và vai trò hệ thống Liên minh HTX các cấp với công cuộc xóa đói nghèo. Cụ thể với tỉnh Yên Bái, thời gian tới cần nâng cao hơn năng lực đội ngũ cán bộ HTX cơ sở, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm và lồng ghép vào các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên vùng núi cao…Đó sẽ là điều kiện giúp các HTX thể hiện chức năng xã hội, tiếp tục góp phần thực hiện giai đoạn “nước rút” giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Yên Bái.
Theo nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn