ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NQTW5: TỔ HỢP TÁC CŨNG CẦN QUAN TÂM PHÁT TRIỂN

0
449
alt

     Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho rằng việc phát triển kinh tế tập thể (KTTT) phải tôn trọng xu thế khách quan. Tới đây, trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX (NQTW5) về KTTT, Yên Bái chủ trương củng cố lại tổ hợp tác (THT) theo hướng để THT phát triển lên HTX.


     Qua 10 năm thực hiện NQTW5, Yên Bái tăng khá nhanh số lượng HTX, hiện nay đã có 318 HTX, bình quân tăng mới 17 HTX/năm, thu hút 39.984 xã viên; đồng thời toàn tỉnh cũng phát triển trên 2.500 THT với 9.000 tổ viên tham gia.

 

     Về chất lượng hoạt động của các HTX cũng được nâng lên rõ rệt. Tổng vốn điều lệ khu vực HTX hiện là 193 tỷ đồng (tăng 9,5 lần so với 10 năm trước), tổng vốn hoạt động 547 tỷ đồng (tăng 7,5 lần). Nếu tổng doanh thu HTX ở thời điểm năm 2002 là 110,292 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,149 tỷ đồng, thì đến năm 2012 đạt mức tổng doanh thu 704 tỷ đồng (tăng 6,4 lần), nộp ngân sách 18 tỷ đồng (tăng 18 lần), giải quyết thêm việc làm cho khoảng 4.500 xã viên và người lao động.

 

     Từ góc nhìn quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Hoàng Xuân Nguyên, rút ra 5 kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện NQTW5, đó là: KTTT và HTX chỉ thực sự phát triển khi người lao động tự nguyện tham gia góp vốn, góp sức; Nhà nước phải có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với HTX; vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

 

 alt

 

Đầu cầu Yên Bái tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết NQTW5

 

      Ở Yên Bái, nơi nào cấp uỷ, chính quyền nhận thức đầy đủ về HTX và chỉ đạo sâu sát, thì nơi đó HTX được củng cố, phát triển và giải quyết nhiều vấn đề kinh tế – xã hội đặt ra; phát triển HTX đa dạng, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và chú trọng những ngành nghề có thế mạnh địa phương; vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và đặc biệt là Liên minh HTX rất quan trọng. Ở Yên Bái, Liên minh HTX tỉnh thực sự là tổ chức tập hợp đông đảo HTX và đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho các HTX phát triển.

 

      Riêng với mô hình THT, có thể từ lý do khách quan khi tổ chức mang tính hợp tác hoàn thiện hơn là HTX đến nay vẫn bộn bề vướng mắc và yếu kém, thế nên loại hình THT giản đơn hầu như còn bỏ ngỏ, cho dù ai cũng thấy THT rất gần gũi và thiết yếu với đời sống người dân, tự phát hình thành mọi lúc mọi nơi và là “mảnh đất” đầy tiềm năng để phát triển mới HTX.

 

     Theo đó, trong định hướng thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện NQTW5, tỉnh Yên Bái chủ trương tới đây phải củng cố lại các loại hình THT theo hướng để THT phát triển lên HTX, với dự kiến vào năm 2015 ở tỉnh vùng cao này sẽ có 400 HTX và 4.000 THT, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phát triển tới 600 HTX và 6.500 THT.

 

     Đến nay, Tỉnh ủy Yên Bái đã hoàn thành việc phổ biến Kết luận 56 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện NQTW5 đến cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với chủ trương củng cố mô hình THT, tỉnh Yên Bái đề cao nguyên tắc phát triển KTTT trên cơ sở tôn trọng xu thế khách quan của mối quan hệ liên kết hợp tác lao động cùng có lợi. Việc thành lập mới HTX phải phù hợp với tình hình thực tế địa phương và tuân thủ đúng Luật HTX 2012.

 

      Điều quan trọng là tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò quan trọng của KTTT, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, tăng dần tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực KTTT trong bước phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Yên Bái.

Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here