YBĐT – Hiện toàn tỉnh có 168 hợp tác xã (HTX) nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 54,7% tổng số HTX, với 7.620 thành viên, vốn điều lệ 221 tỷ đồng (bình quân 1,3 tỷ đồng/HTX).
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn tạo việc làm cho hàng trăm thành viên và người lao động |
Hầu hết các HTX này hoạt động theo mô hình kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ, sản xuất và chế biến; cung ứng vật tư nông nghiệp như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… và bao tiêu một phần sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân.
Từ năm 2013 đến nay, đã xuất hiện thêm nhiều mô hình HTX hoạt động có hiệu quả như: HTX dịch vụ và tổ chức nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà, HTX chăn nuôi gia cầm, HTX sản xuất rau an toàn, HTX trồng cây ăn quả có múi…
Thông qua các khâu dịch vụ, HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ thành viên và nông dân tiến hành sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
Những năm qua, các HTX nông nghiệp đã nắm bắt được thị trường, lợi thế của địa phương để xác định hướng sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực.
Để phát triển sản xuất, các HTX đã chủ động liên doanh, liên kết với các hộ thành viên và doanh nghiệp, tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị để được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm cho HTX và thành viên. Hoạt động của các HTX đã góp phần đáng kể vào công cuộc XDNTM và phát triển kinh tế của địa phương.
Tiêu biểu như: HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chuyên trồng và chế biến tinh dầu quế, với doanh thu hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 140 triệu đồng; tạo việc làm cho trên 30 thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 – 5,5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua và sơ chế măng tre Bát độ, doanh thu năm 2017 là 4,5 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 20 thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến chè, doanh thu năm 2017 là 27 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 550 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 54 thành viên và người lao động với mức thu nhập bình quân từ 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng…
Đồng thời, các HTX còn tạo việc làm và thu nhập gián tiếp cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Gia đình chị Trần Thị Bích Ngọc ở thôn Rịa 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn trồng hơn 2ha chè.
Những năm trước, gia đình chị phải tự đi bán chè cho các nhà máy, giá cả bấp bênh, đã có lúc chị muốn phá bỏ cây chè. Cách đây 3 năm, gia đình chị được tham gia ký hợp đồng theo chuỗi liên kết với HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, nhờ đó, thu nhập từ cây chè không những ổn định mà còn cao gấp đôi.
Chị Ngọc cho biết: “Gia đình ký hợp đồng bán chè cho HTX, được HTX đầu tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Trước đây, chỉ thu được 7- 8 triệu đồng/ lứa, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc mà HTX mua giá cao hơn nên mỗi lứa thu về 14 – 15 triệu đồng. 1 năm gia đình thu 6 lứa chính và 3 lứa phụ, tổng thu nhập đạt gần 100 triệu đồng”.
Với những cách làm sáng tạo, các HTX nông nghiệp đã dần khẳng định hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội và XDNTM ở địa phương.
Hồng Duyên