HTX Dịch vụ tổng hợp xã Mông Sơn (huyện Yên Bình, Yên Bái) một thời tưởng chừng phải giải thể khi bị “mất” dịch vụ điện, dịch vụ có nguồn thu lớn nhất. Mấy năm qua, HTX hồi sinh, đến nay có doanh thu tiền tỷ… Thành quả đó nhờ có công lớn của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, đã kịp thời hỗ trợ vốn, liên hệ đầu ra và tư vấn chuyển sang làm nghề chế biến gỗ, nguyên liệu đang rất sẵn ở địa phương.
Theo Quốc lộ 70 Yên Bái – Lào Cai, chúng tôi đến xã Mông Sơn ở vùng lòng hồ Thác Bà (phạm vi thuộc địa phận 2 huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái). Lượm lặt một tín hiệu vui từ người dân, việc trồng và chăm sóc vùng rừng nguyên liệu bây giờ được bà con ở đây quan tâm hơn. Bởi việc tiêu thụ gỗ rừng mấy năm nay trở nên thuận lợi, khi các nhà máy chế biến gỗ và xưởng bóc gỗ ván đang mở mang ra ngày một nhiều.
Tại trụ sở HTX Dịch vụ tổng hợp xã Mông Sơn, Chủ nhiệm Đỗ Xuân Thịnh cho biết: Đất rừng Yên Bình chủ yếu trồng keo, bồ đề và số lượng không đáng kể cây bạch đàn. Tuy không có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính 3 năm nay ở Yên Bình “nở rộ” khoảng gần 150 xưởng bóc gỗ ván lớn nhỏ, công suất từ 1.500 – 4.500 m3 gỗ/năm.
Theo ông Thịnh, thế mạnh HTX chủ yếu là 2 nghề chế biến gỗ và làm gạch bê tông (gạch xám không nung) và đều rất sẵn nguyên liệu tại chỗ. Gạch bê tông hiện đang được “chuộng” ngoài thị trường, vì chất lượng tốt hơn gạch nung. Mỗi ngày HTX sản xuất 4.000 viên không đủ bán. HTX tận thu bột đá phế liệu ở các nhà máy nghiền đá ngay gần đó, lại biết cách tận dụng mua nguồn cát rẻ, nên giá bán gạch bê tông của HTX rất cạnh tranh, chỉ 1.800 đồng/viên, trong khi bên ngoài bán 2.200đồng/viên…
Nghe nói mấy năm trước, HTX từng chao đảo tưởng phải giải thể? Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, ông Thịnh kể: xã Mông Sơn có 5 HTX, trong đó 4 HTX khai thác đá, duy nhất HTX Mông Sơn liên quan đến sản xuất nông nghiệp. HTX thành lập năm 2004, làm dịch vụ thủy lợi và điện. Đến năm 2008, HTX đã cùng dân củng cố hạ tầng lưới điện, tạo ra nguồn thu chính từ dịch vụ điện, thì phải bàn giao cho ngành điện. “Nói ra thật nan giải, thời điểm này hầu như cán bộ và gần 30 xã viên HTX chán nản, mất phương hướng…”, Chủ nhiệm Thịnh chia sẻ.
Thật may lúc đó, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái kịp thời vào cuộc, động viên tư tưởng, tư vấn cho HTX chuyển sang nghề bóc gỗ ván, hỗ trợ vốn, lại trực tiếp đi liên hệ nơi tiêu thụ gỗ ván ở Đông Anh và Gia Lâm (Hà Nội).
Để triển khai nghề mới, HTX họp xã viên, góp được 240 triệu đồng, cộng vốn Liên minh HTX tỉnh cho vay 200 triệu đồng (vốn 120 giải quyết việc làm), được 440 triệu đồng, đủ lưng vốn ban đầu xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị bóc gỗ ván. Những năm sau đó, HTX tiếp tục đầu tư, ổn định nghề gỗ, mở thêm xưởng gạch và vươn lên được như hôm nay. Có thể nói, HTX hồi sinh là nhờ có công rất lớn của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái.
Hiện tại, ngoài số nhân lực dịch vụ thủy lợi, HTX có 5 người làm xưởng gạch, 27 người làm xưởng gỗ từ khâu bóc ván, phơi ván đến thành phẩm. Theo kết quả hoạt động của HTX những năm 2008 – 2012, doanh thu tăng từ 1,27 tỷ đồng lên 3,2 tỷ đồng, nộp ngân sách tăng từ 46 triệu đồng lên 110 triệu đồng. Tính trong 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của HTX đạt 2,6 tỷ đồng, riêng thu từ ván gỗ 1,6 tỷ đồng, gạch 1 tỷ đồng. Thu nhập tháng bình quân 1,8 – 2 triệu đồng/người, lao động kỹ thuật 3,5 triệu đồng/người.
Trước lúc chia tay chúng tôi, ông Thịnh bày tỏ cái khó thời sự của HTX rơi vào tình trạng bất bình đẳng cạnh tranh, do địa phương buông lỏng quản lý các xưởng gỗ, hay HTX gặp phiền hà thủ tục doanh nghiệp đăng ký cấp chứng nhận bảo vệ môi trường…
Còn cái khó nan giải vẫn là hệ lụy từ việc bàn giao dịch vụ điện. Nhiều năm qua HTX đã làm văn bản yêu cầu ngành Điện trả nợ tiền hạ tầng lưới điện, là công sức, mồ hôi của HTX và của người dân đã đầu tư hàng chục năm qua, nhưng chưa được chấp nhận.
Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn