LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP: LỰA CHỌN TỐI ƯU ĐỂ PHÁT TRIỂN HTX

0
488

    Mô hình HTX đến nay đang cho thấy rõ là sự lựa chọn tốt nhất, giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp (DN) với hộ nông dân trong cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Thời báo Kinh Doanh với Ts. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT).


     Ông đánh giá thế nào về vai trò HTX nông nghiệp hiện nay?


    Bối cảnh phát triển mới của Việt Nam cho thấy HTX nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực. Do đó, khi xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển, HTX nông nghiệp cần được xem như một đối tượng hưởng lợi chính, là một tác nhân kinh tế quan trọng cần được khuyến khích củng cố và phát triển.


    Bởi thực tế cơ chế thị trường vận hành theo nguyên tắc cơ bản là sự “mặc cả”. Nhưng những nông hộ nhỏ lẻ không thể tự mình tham gia thị trường hiệu quả. Vì thế, để hộ sản xuất nhỏ có “tiếng nói” trên thị trường, cần phải đưa họ tham gia vào các tổ chức của chính mình và HTX là sự lựa chọn tối ưu để thực hiện vai trò cầu nối cả đầu vào – đầu ra giữa DN với kinh tế hộ nông dân.


    Thưa ông, Bộ NN&PTNT nhiều năm nay quan tâm đến vai trò HTX nông nghiệp trong liên kết với DN và hộ nông dân. Vấn đề này phát huy thế nào khi triển khai Luật HTX 2012?


    Hiện nay, việc cải thiện vai trò cầu nối của HTX nông nghiệp (bao gồm HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX chuyên ngành nông nghiệp) trong trục dọc liên kết DN và hộ nông dân là một trong những nội dung quan tâm nhất ở các địa phương trên cả nước, nhằm hoàn chỉnh mô hình cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Có thể thấy, đây là phạm trù “quan hệ sản xuất”, về quan điểm được Bộ NN&PTNT cho rằng cần được quan tâm và tập trung nhất trong chỉ đạo, điều hành chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật HTX 2012 thời gian tới.


    Kinh tế thị trường trong nông nghiệp không thể phát huy hiệu quả nếu không có sự tham gia của các HTX. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng nhận xét: “Không có DN thì không thể phát triển sản xuất được, vì không có người lo thị trường, nhưng DN lại không thể phát triển nếu không có HTX đóng vai trò tổ chức sản xuất đối với các hộ nông dân”.

 

    Vì thế, trong nhiều ngành hàng nông sản chủ lực hiện nay như lúa gạo, cà phê, thủy sản…, các DN là lực lượng tiên phong đi đầu liên kết, hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp. Thông qua đó, các DN cũng tự tạo ra đối tác cho chính mình nhằm giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, kiểm soát tốt hơn quy trình sản xuất cho các hộ nông dân nhằm nâng cao chất lượng nông sản.


    Vậy, trục dọc liên kết HTX – DN và hộ nông dân được tổ chức thế nào khi triển khai Luật HTX 2012?


    Luật HTX 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Đến nay, nhiều việc vẫn phải chờ Nghị định hướng dẫn, nhưng các địa phương đang chủ động đưa Luật HTX 2012 vào cuộc sống và điều này tạo cơ hội lớn để đẩy mạnh khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển. Hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp cần nắm lấy cơ hội này để có thể thay đổi tình hình, tạo bước chuyển mới trong quan hệ sản xuất nông nghiệp.


    Đến nay ở các vùng sản xuất lớn, nhất là ở phía Nam, vai trò của HTX nông nghiệp đã khá rõ ràng khi thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào như làm đất, tưới tiêu, vật tư nông nghiệp, vốn… Ở các tỉnh phía Bắc, các HTX chuyển đổi theo luật, nhưng lại mang nặng tính chất của tổ chức dịch vụ cộng đồng, đứng ra đảm nhiệm các dịch vụ công hoặc bán công như tưới tiêu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường nông thôn… Như vậy, ở các vùng khác nhau, hình thức, hoạt động của các THT và HTX nông nghiệp cũng cần phải đa dạng hóa, phù hợp với đặc thù địa phương.


    Nhưng quan trọng nhất, HTX phải là người “đứng mũi chịu sào”, đại diện cho xã viên ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu với DN; tổ chức, kiểm soát quy trình kỹ thuật theo đặt hàng của DN để nâng cao chất lượng nông sản. Đồng thời, các HTX cũng có thể tổ chức các dịch vụ khác tùy thuộc vào điều kiện như cho vay tín dụng nội bộ, nhận ủy thác tín dụng, xay xát, tích trữ, lưu kho… DN chủ động nắm thị trường, liên kết với các hộ nông dân thông qua cầu nối là các HTX. Còn Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ HTX xây dựng hệ thống tưới tiêu, kho, bến bãi, đào tạo nhân lực, giải quyết tranh chấp kinh tế…

nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here