MÔ HÌNH HTX ĐẶC SẢN RAU RỪNG LANG THÍP

0
597

Sau buổi chung kết cuộc thi ý tưởng sáng tạo thanh niên toàn tỉnh, đại diện Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết cuộc thi thành công và phấn khởi nhất là có 5/7 dự án lọt vào chung kết đều hướng tới thành lập HTX, trong đó khả thi nhất là mô hình HTX đặc sản rau rừng và cây dược liệu Lang Thíp.

 Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp với các cấp ngành tỉnh Yên Bái tổ chức chung kết cuộc thi thanh niên khởi nghiệp. Đây là cuộc thi dành cho tất cả đoàn viên, thanh niên không quá 35 tuổi, có ý tưởng sản xuất kinh doanh và cần hợp tác, hỗ trợ để thực hiện trên địa bàn tỉnh. 

Phát huy ưu thế đặc sản rừng 

Trong số 5/7 dự án hướng tới khởi nghiệp HTX, có dự án đạt giải Ba của anh Đặng Văn Thuật (xã Lang Thíp, huyện Văn Yên), với chương trình khả thi thành lập mới HTX Lang Thíp cung ứng đặc sản rau rừng và cây dược liệu ở trên vùng rừng núi đầy tiềm năng Hoàng Liên Sơn.

Anh Thuật cho rằng trong thời đại bùng nổ công nghệ số, mọi người chuyển hướng sang thực phẩm sạch, rau rừng, đặc sản vùng miền và có dược tính bảo vệ sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên và nguồn gen quý. Do đó, việc ra đời mô hình sản xuất đặc sản vùng miền, cây dược liệu theo hình thức bảo vệ và nhân rộng trên chính những vùng nguyên liệu sẵn có được xem như là sự lựa chọn tốt nhất cho ngành nông nghiệp sạch.

Ở xã Lang Thíp – cửa ngõ huyện Văn Yên, có 2 tuyến giao thống huyết mạch đường cao tốc và đường sắt Hà Nội – Lào Cai, việc ra đời mô hình HTX vừa phát huy ưu thế vùng rừng giàu sản vật, nhất là rau rừng và cây dược liệu, vừa đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu tiêu thụ các món đặc sản rau rừng ở các thành phố lớn. 
Hơn nữa, việc bảo vệ và nhân rộng cây rau rừng và cây dược liệu là sự kết hợp giữa bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm chất lượng, giá trị dinh dưỡng của những đặc sản vùng miền. 

Chung kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên toàn tỉnh Yên Bái 

Mô hình HTX phù hợp vùng cao

Như thế, khởi nghiệp HTX Thanh niên Lang Thíp xuất phát từ nhu cầu thị trường và tạo việc làm cho xã viên người lao động. Đây là mô hình HTX kiểu mới có quy mô phù hợp với đồng bào thiểu số vùng cao, gắn với chuỗi đặc sản rau rừng và cây dược liệu theo hình thức bảo vệ và nhân rộng.

Ngay từ việc xác định ngành nghề, mô hình HTX Lang Thíp cho thấy sự lựa chọn các sản phẩm chỉ có ở vùng cao, đó là các đặc sản rau rừng, gồm rau dớn, rau bò khai, ngót rừng, mướp đất và các cây dược liệu như đinh lăng, tam thất, sa nhân, lạc tiên…

Hiện nay, thông qua mối liên kết với công ty Đặc sản rau rừng Tây Bắc tại Hà Nội (tiêu thụ sản phẩm), dự án mở rộng và phát triển HTX Lang Thíp đã đi vào sản xuất, khai thác các sản phẩm rau dớn, rau bò khai tại các thôn Liên Sơn, Bùn Dạo của xã Lang Thíp, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Anh Thuật cho biết, HTX ban đầu hiện có mặt bằng sản xuất 2.500 m2 (trụ sở, nhà kho), trang thiết bị máy móc thiết yếu đã đầu tư khoảng 160 triệu đồng. Tổng nguồn vốn hoạt động hiện tại là 200 triệu đồng, trong đó vốn cố định 160 triệu đồng và vốn lưu động 40 triệu đồng. Lao động hiện có 10 người và 100% là đồng bào dân tộc.

Theo hạch toán của HTX, một năm bình quân sản xuất thực tế là 10 tháng, khả năng sản xuất rau rừng đạt gần 1 tấn sản phẩm, doanh thu đặc sản rau rừng và cây dược liệu năm đầu tiên đạt gần 500 triệu đồng, hoàn toàn bảo đảm việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 2.500.000 – 2.700.000 đồng/người.

Với giải thưởng được tôn vinh trong cuộc thi này, HTX Lang Thíp có cơ hội lớn tiếp cận chính sách hỗ trợ HTX, mở rộng đối tác liên kết đầu tư… từ đó, góp phần vào giải quyết lao động dư thừa tại địa phương, giảm tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an ninh xã hội trên địa bàn.

Lưu Đoàn

 

Nguồn http://www.thoibaokinhdoanh.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here