NĂM BÀI HỌC SAU 10 NĂM PHÁT TRIỂN KTTT

0
561

Nhận thức đúng và đầy đủ quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX (NQTW5) về kinh tế tập thể (KTTT) ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện và quyết định đến hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này…   

 

Theo đó, Báo cáo ngày 11/12/2012 của Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm NQTW5 đã nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hơn quá trình phát triển KTTT trên cả nước tới đây. 

 

Thứ nhất, các chủ trương, quan điểm phát triển KTTT nêu trong NQTW5 là đúng đắn và là cơ sở quan trọng đưa KTTT thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay. Do vậy, tới đây phải tiếp tục bám sát 5 quan điểm chỉ đạo trong NQTW5, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương, tôn trọng nguyên tắc hoạt động KTTT mà nòng cốt là HTX, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm HTX và phát huy quyền làm chủ của xã viên, gắn bó quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của xã viên trong HTX. 

 

Thứ hai, việc nhận thức đúng và đủ về bản chất KTTT, về chủ trương, quan điểm phát triển KTTT nêu trong NQTW5 là hết sức cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện và quyết định đến hiệu quả hoạt động của KTTT. Từ đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến NQTW5, để toàn thể cán bộ, đảng viên, những người công tác liên quan đến KTTT và người dân hiểu đúng bản chất, vai trò quan trọng của KTTT trong phát triển KT-XH đất nước. Đánh giá KTTT phải dựa trên quan điểm toàn diện, cả về kinh tế – chính trị – xã hội, cả về hiệu quả của tập thể và hiệu quả của các thành viên, tránh phiến diện dẫn đến hiểu sai và không thấy hết vai trò quan trọng của thành phần kinh tế này. 

 

Thứ ba, ý thức trách nhiệm với công việc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, những người làm công tác chuyên môn liên quan đến KTTT chưa cao. Thực tế cho thấy, ở đâu các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thường xuyên với KTTT thì nơi đó KTTT chuyển biến rõ nét và ngược lại. Bởi thế, để đạt mục tiêu NQTW5 cần xác định rõ và đề cao trách nhiệm các cấp ủy đảng – chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu việc tiếp tục tổ chức thực hiện NQTW5. 

 

Thứ tư, để KTTT phát triển đúng tinh thần NQTW5 phải có bộ máy quản lý nhà nước về KTTT đủ mạnh và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tương xứng với vai trò “kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Do đó cần chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về KTTT, có cơ quan quản lý thống nhất về KTTT.  

 

Khi xây dựng chương trình phát triển KTTT ở các bộ, ngành, địa phương phải dựa trên quy hoạch và lợi thế đặc thù của từng ngành, từng địa phương. Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành chính sách KTTT phải đồng bộ, kịp thời và sát thực tế. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi chính sách KTTT. 

 

Thứ năm, yếu tố con người luôn được coi là then chốt và quyết định thành công trong mọi hoạt động của KTTT. Từ đây phải thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về KTTT và cán bộ, xã viên HTX. Bố trí sử dụng cán bộ có năng lực, có tâm huyết, được đào tạo cơ bản và gắn bó với sự nghiệp phát triển KTTT, để phát huy năng lực nội tại của tổ chức KTTT, chủ động vươn lên cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.

nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here