NUÔI CÁ RUỘNG – MÔ HÌNH CHO NÔNG DÂN ÍT VỐN

0
555

    Mô hình nuôi cá ruộng (nuôi xen canh 2 vụ lúa, 1 vụ cá) cho hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, mô hình này chủ yếu được thực hiện ở các huyện, thị phía tây. Nhân rộng ra toàn tỉnh, vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái đã thực hiện mô hình này tại xã Ngọc Chấn (Yên Bình).

Người dân thăm quan mô hình cá, lúa.


    Mô hình canh tác cá – lúa có ưu điểm là sử dụng hiệu quả mặt nước và ruộng lúa trũng không trồng được cây vụ 3. Khi thực hiện, cá – lúa hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành hệ sinh thái khép kín, hạn chế sử dụng hóa chất, phân bón nên an toàn cho con người và môi trường. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

    Năm 2013, Chi cục Thủy sản tỉnh đã thực hiện mô hình này tại xã Ngọc Chấn (Yên Bình) với 3 hộ tham gia, quy mô 0,5ha tại thôn 1, 2. Các hộ tham gia mô hình và các hộ dân có nhu cầu được tập huấn kỹ thuật về đặc điểm sinh học của một số đối tượng nuôi cá truyền thống, kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, chọn con giống, thả con giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi…

    Với diện tích 0,5ha ao nuôi, thả 5 con/m2 gồm cá chép lai 1.750 con (chiếm 70%), rô phi đơn tính 750 con (chiếm 30%). Toàn bộ cá giống, thức ăn, vôi phòng trị bệnh được Chi cục Thủy sản tỉnh cung cấp. Quá trình thực hiện, cán bộ Chi cục và cán bộ khuyến nông viên cơ sở phối hợp chặt chẽ với người nông dân theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thực hiện đầy đủ những biện pháp kỹ thuật đã được tập huấn, tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật.

    Tổng chi phí cho mô hình từ con giống, thức ăn, phòng trừ bệnh, cải tạo ao, các chi phí khác là trên 13,8 triệu đồng. Sau 7 tháng, cá sinh trưởng và phát triển tốt, không bị bệnh, trọng lượng đạt trung bình từ 0,36kg/con, năng suất trên 1,3 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình của gia đình ông Nguyễn Hữu Xương cho trọng lượng cá 0,4kg/con.

    Ông Xương cho biết: “Trước đây, sau khi thu hoạch lúa xong, trên 1.500m2 ruộng của gia đình cũng để trồng cây vụ 3 như ngô, khoai lang nhưng do ruộng trũng ngập nước nên hiệu quả cây trồng không cao. Năm nay được hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá ruộng, tôi đăng ký tham gia và rất có hiệu quả. Từ năm tới, tôi sẽ áp dụng mô hình này cho ruộng lúa của gia đình để tăng thêm thu nhập”.

    Theo tính toán của cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh, nếu chi phí toàn bộ cho 1 sào nuôi cá ruộng hết 983.000đồng, sau 7 tháng thu được 44kg cá, với giá thị trường 40.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập 1.760.000 đồng, trừ hết chi phí còn 777.000 đồng.

    Ngoài ra, các hộ vẫn thu được số lượng thóc trên cùng một diện tích là 432kg/2 vụ. Như vậy, nếu chỉ cấy lúa mà không thả cá sẽ không có thêm thu nhập mà còn để hoang phí diện tích. Mặt khác, qua kiểm tra thực tế đối với ruộng nuôi xen cá, cây lúa sẽ ít hoặc không bị một số bệnh thường gặp. Mô hình nuôi cá, lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển: cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa, bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá đồng thời khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, béo ngậy, bán được giá. 

    Ông Hoàng Ngọc Đại – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái đánh giá: “Đây là mô hình dễ thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, phù hợp điều kiện chăn nuôi thủy sản của tỉnh. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần đưa diện tích nuôi cá ruộng của toàn tỉnh lên 500 – 700ha trong năm 2014. Mô hình được triển khai rộng rãi sẽ tạo điều kiện để các hộ ít vốn tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế được thuốc hóa học, làm giảm ô nhiễm môi trường”.

Nguồn http://www.baoyenbai.com.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here