Phong trào Hợp tác xã trên Thế giới

0
1833

 LƯỢC SỬ PHONG TRÀO HTX TRÊN THẾ GIỚI

            Trong giai đoạn CNTB bắt đầu tiến hành quá trình công nghiệp hóa, sự phân hoá giàu nghèo tăng nhanh trong xã hội. Phần đông người lao động bị bóc lột và bị đẩy vào con đường bần cùng hoá. Những người sản xuất nhỏ trong công nghiệp, nông nghiệp, buôn bán nhỏ bị các nhà tư bản chèn ép dẫn đến nguy cơ phá sản, mất tư liệu sản xuất … trước tình hình đó họ nhận thấy không thể giải quyết khó khăn bằng khả năng của từng người mà phải tập hợp nhau lại để cứu lấy mình.

  • Năm 1761 ở nước Anh đã xuất hiện hình thức hội do những người thợ dệt lập ra lấy tên là: “Hội làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong làng xóm”. Với tuyên ngôn: “Cốt làm cho người nghèo trở thành anh em, anh em thì giúp nhau, nhờ lẫn nhau, bỏ hết thói cạnh tranh, làm sao cho ai đã có công trồng cây thì phải được ăn quả, ai muốn ăn quả thì tham gia trồng cây”.
  • Năm 1769, 12 người thợ dệt ở Bắc Scottland đã hùn vốn tổ chức ra Hội tiêu thụ bột mì. Năm 1777 tại Burmingham – nước Anh những người thợ may đã tổ chức ra Hiệp hội tiêu thụ…Sau đó còn nhiều hội khác được lập ra.
  • Phong trào tổ chức “Hội tiêu thụ” từ nước Anh đã lan nhanh ra các nước Châu Âu. Đã có gần 500 Hội tiêu thụ được thành lập trong thời gian này ở Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Nga…
  • Hợp tác xã đầu tiên trên thế giới đã ra đời vào năm 1844 tại Rochdale – Anh, 28 người thợ dệt tụ họp nhau thành lập HTX tiêu thụ lấy tên “Hội những người khởi đầu sự công bằng ở Rochdale “.Với số vốn 28 Bảng Anh họ đã tổ chức cửa hàng bán thực phẩm với mục tiêu chủ yếu là thoả mãn những gì mà các xã viên cần thông qua một tổ chức kinh doanh (cửa hàng) do họ lập ra. Có ba mặt hoạt động của HTX đề ra cho cửa hàng là:

          + Các xã viên đề ra những gì mà họ đòi hỏi cửa hàng phải đáp ứng;

          + Các xã viên có quyền quản lý bộ máy hoạt động của cửa hàng, lợi nhuận thu được đem chia cho các xã viên;

         + Các yêu cầu của xã viên được đưa ra cho cửa hàng biết trước cho nên không có rủi ro về hàng tồn kho. Điều hành cửa hàng do một hội đồng được các xã viên bầu ra .

          Sở dĩ HTX Rochdale được coi là HTX đầu tiên của phong trào HTX quốc tế là vì chính Rochdale đưa ra những nguyên tắc và điều lệ cơ bản cho hoạt động của HTX. Những nguyên tắc này về sau được gọi là ” Những nguyên tắc Rochdale ” đây cũng là nội dung cơ bản của những nguyên tắc HTX mà Liên minh HTX quốc tế phê chuẩn và sử dụng cho đến ngày nay như: “Xã viên công khai bán hàng bằng tiền mặt, mỗi người một phiếu bầu, bán hàng tốt và thật, thu nhập cố định trên đồng vốn, tiền lời chia theo quan hệ mua của xã viên với cửa hàng, giáo dục cho xã viên trung lập về tín ngưỡng và chính trị”.

         Những cửa hàng bán lẻ như vậy đã trở lên phổ biến vì nó tránh được việc người lao động phải mua hàng hoá với giá cao của các nhà buôn…Với những thành công của mình, HTX Rochdale đã nhanh chóng có ảnh hưởng và lan rộng ra toàn nước Anh. Đầu năm 1860 ở Anh có 460 HTX tiêu thụ với hơn 100 ngàn xã viên. Các HTX đã liên kết với nhau lập ra Liên hiệp HTX tiêu thụ Anh ở Manchester. Năm 1862 chính phủ Anh ban hành Luật HTX. Đây được coi là văn bản Luật HTX đầu tiên trên thế giới.

         * Ảnh hưởng của HTX Rochdale rộng ra Châu Âu:

         Sau HTX Rochdale, năm 1845 ở Đức Hội tiêu thụ được thành lập, năm 1849 Hiệp hội nguyên liệu của những người thợ mộc và thợ giày ở Delitzach – Đức được thành lập và phong trào dần lan rộng sang các nước Pháp, Thụy Điển, ‎Ý.. với nhiều loại hình thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau, như HTX chế biến nông sản thực phẩm, HTX kinh doanh điện, điện thoại, HTX tín dụng (1851) ở Thụy‏Điển, Pháp; HTX xây dựng nhà ở Đức (1862).

         – Nước Pháp đã sản sinh ra HTX sản xuất công nghiệp đó là HTX của những người thợ kim hoàn ở Paris, năm 1867 nhà nước Pháp ban hành Luật HTX.

          – Để củng cố và phát huy phong trào HTX, tổ chức Liên hiệp HTX ở Pháp và các nước Châu Âu đã ra đời. Với vai trò quan trọng của HTX trong nền kinh tế và với những thành công của HTX của các nước Tây Âu phong trào HTX đã dần mở rộng sang các châu lục khác.

           * Ảnh hưởng của phong trào HTX tới các nước Châu Á:

           – Ở Ấn Độ HTX đầu tiên được thành lập năm 1899. Phong trào HTX Ấn Độ được xem là lâu đời nhất và mạnh nhất trong các nước Châu Á. Năm 1904 Luật HTX ở Ấn Độ thuộc Anh được ban hành. Đến nay Ấn Độ có một hệ thống HTX rất phong phú đa dạng trong mọi lĩnh vực kinh tế như HTX tín dụng, cung tiêu, gia công, vận tải, bệnh viện…

           – HTX ở Thái Lan được hình thành từ năm 1915 do Chính phủ khởi xướng. HTX đầu tiên được Chính phủ thành lập ngày 26/2/1916 tại Phitsamulok. Đây là HTX tín dụng trách nhiệm vô hạn để giúp đỡ người nông dân nghèo hay phải vay nợ. Năm 1968 Chính phủ Thái Lan ban hành Luật HTX.

            Phong trào HTX ở Châu Á nhanh chóng phát triển và phát huy tác dụng. Trải qua chặng đường gần 2 thế kỷ xây dựng và phát triển, ứng với điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi nước mà hình thành các loại HTX với những đặc thù riêng. Theo thống kê của Liên hiệp quốc và Liên minh HTX quốc tế, trên toàn thế giới hiện có gần 1 tỷ người là xã viên HTX và khoảng 3 tỷ người trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng các dịch vụ của HTX. HTX đã tạo ra hơn 100 triệu việc làm cho người lao động trên khắp thế giới.

             Hiện nay phong trào HTX đang phát triển rất mạnh tại các nước: Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Canada, Ixrael, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaixia…

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here