Liên minh hợp tác xã Quốc tế

0
1419

                Liên minh HTX quốc tế, tên tiếng Anh là: International Cooperative Alliance (viết tắt là ICA), là tổ chức độc lập, tập hợp và đại diện cho tất cả các tổ chức HTX thành viên trên toàn thế giới.

                1. Quá trình thành lập:

               Cuối thế kỷ XIX, HTX ở nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạnh nên đã xuất hiện các nhu cầu về hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia. Xuất phát từ tình hình thực tế đó. Năm 1889, Liên hiệp HTX toàn Vương quốc Anh đã đứng ra thành lập Uỷ ban trù bị thành lập Liên minh HTX quốc tế.

            – Ngày 19-8-1895, Đại hội thành lập Liên minh HTX quốc tế đã họp tại Luân Đôn. Đại hội có 207 Đại biểu của 12 nước tham dự: Anh, Áo, Hung, Úc, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Ý, Séc Bi, Mỹ, Thụy Sỹ, Pháp. 4 nước quan sát viên là Nga, Đức, Ấn Độ và Áchentina. Mục đích của Liên minh HTX quốc tế do Đại hội đặt ra là:

+ Đại diện toàn cầu cho mọi loại hình HTX.

+ Truyền bá tư tưởng, nguyên tắc và phương pháp hành động của HTX.

+ Bảo vệ quyền lợi HTX ở mọi nơi.

+ Tạo lập quan hệ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các HTX các nước.

+ Giúp và thúc đẩy tiến bộ kinh tế, xã hội của nhân dân các nước.

+ Phấn đấu vì hoà bình và an ninh lâu dài.

              2. Hệ thống tổ chức và thành viên của ICA:

            – Đại hội đồng Liên minh HTX quốc tế họp 4 năm 1 lần để bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Uỷ viên Ban chấp hành (nhiệm kỳ 4 năm), kể từ năm 1895 đến nay ICA đã tổ chức các kỳ Đại hội của mình tại thủ đô và thành phố của nhiều nước. Đại hội lần thứ 35 Họp tại Vương quốc Na Uy tháng 9-2003.

           – Trụ sở của ICA đóng tại Giơnevơ – Thụy Sỹ. Đến nay trên thế giới đã có 97 nước có phong trào HTX trong đó có 96 nước là thành viên của Liên minh HTX quốc tế, ICA tự hào là một tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới, có số lượng thành viên là 238 tổ chức HTX quốc gia và trên 725 triệu xã viên ở khắp các châu lục.

            * ICA có 5 văn phòng khu vực:

+ Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có trụ sở tại Niu Đêli – Ấn Độ. Thành viên gồm 29 nước, 64 tổ chức với 480.648 HTX và 414.383.862 xã viên.

+ Văn phòng khu vực châu Mỹ, có trụ sở tại Côxta Rica. Thành viên gồm 18 nước, 61 tổ chức với 43.945 HTX và 162.486.437 xã viên.

+ Văn phòng khu vực châu Phi, có trụ sở tại Kênia: Thành viên gồm 12 nước, 19 tổ chức với 27.214 HTX và 9.561.443 xã viên.

+ Văn phòng khu vực châu Âu, có trụ sở tại Giơnevơ – Thụy Sỹ. Thành viên gồm 37 nước thành viên, 88 tổ chức với 197.283 HTX và 118.473.433 xã viên.

Ngoài 96 nước thành viên Liên minh HTX quốc tế còn có 8 tổ chức quốc tế là thành viên:

– Liên đoàn HTX tín dụng châu Á (ACCU);

– Liên đoàn HTX tín dụng khu vực Mỹ – Latinh (COLAC);

– Hội đồng quốc tế HTX tiêu dùng (ICCCU);

– Hội đồng thế giới các Liên hiệp tín dụng (WOCCU);

– Hiệp hội quốc tế dầu mỏ (ICPA);

– Tổ chức HTX châu Mỹ (OCA);

– Hiệp hội các HTX Trung Mỹ và Caribê (CCC-CA);

– Liên đoàn các HTX Mỹ – Latinh (COLACOT).

              * ICA có các đại diện tại các tổ chức của Liên hiệp quốc:

– Văn phòng cơ quan Liên hiệp quốc.

– Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO).

– Tổ chức Thương mại và phát triển ( UNCTAD).

– Tổ chức Phát triển công nghiệp (UNIDO).

– Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Năm 1988 tại Đại hội lần thứ 29 ở Stốckhôm – Thụy Điển. Việt Nam được chính thức kết nạp làm thành viên của ICA.

              3. Vai trò, nhiệm vụ của Liên minh HTX quốc tế:

– Phát triển, bảo vệ giá trị và nguyên tắc HTX, làm cho các xã viên HTX cùng có ‎thức bảo vệ;

– Tuyên truyền, phổ biến những thông tin nhằm giới thiệu cơ cấu tổ chức của phong trào HTX quốc tế;

– Hoạt động như là chất xúc tác cho sự phát triển HTX, phát huy tính độc lập, tự chủ của HTX đối với chính phủ.

– Đại diện cho phong trào HTX trước Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế. ICA có vị trí tư vấn trong Hội đồng kinh tế – xã hội Liên hiệp quốc, đại diện cho quyền lợi của phong trào HTX thế giới thông qua việc tham gia các hội nghị của Liên hiệp quốc, tham gia hội thảo và đề xuất những chính sách về HTX với Liên hiệp quốc. ICA kiến nghị với những chính phủ các quốc gia nếu quyền lợi của các thành viên bị đe doạ bởi các chính sách hay luật quốc gia.

            4. Các giá trị và nguyên tắc của HTX:

– Tại Đại hội ICA năm 1963 đã đưa ra định nghĩa chung về HTX và 6 nguyên tắc HTX.

– Tại Đại hội ICA lần thứ 31 ở Manchester – Vương quốc Anh đã bổ sung thành 7 nguyên tắc HTX, khuyến khích phát triển các hoạt động bảo vệ hoà bình, môi trường và phát triển cộng đồng.

Các giá trị HTX:

            Tự lực, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng và đoàn kết. Liên minh HTX quốc tế định nghĩa về HTX là: “HTX là một hiệp hội tự chủ của các cá nhân tự nguyện tập hợp lại nhằm thoả mãn những nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế – xã hội và văn hoá thông qua doanh nghiệp đồng sở hữu và quản lý dân chủ”.

                 Các nguyên tắc HTX: (7 nguyên tắc).

– Thành viên tự nguyện và mở rộng (HTX là những tổ chức tự nguyện, mở rộng cho tất cả những người có khả năng sử dụng các dịch vụ của HTX và chấp nhận trách nhiệm của các thành viên, không phân biệt giới tính, xã hội, chủng tộc, chính trị hay tôn giáo).

– Kiểm tra dân chủ bởi các xã viên (HTX là những tổ chức dân chủ do các xã viên kiểm soát, tham gia tích cực vào việc xây dựng những chính sách và quyết định. Ở các HTX cơ sở xã viên có quyền bầu cử như nhau, mỗi xã viên một phiếu bầu và HTX ở các cấp khác cũng được tổ chức theo hình thức dân chủ)

– Sự tham gia kinh tế của các xã viên HTX .(Các xã viên đóng góp vốn một cách bình đẳng vào HTX và quản lý dân chủ vốn của HTX. ít nhất một phần số vốn đó là tài sản chúng của HTX. Thông thường, xã viên HTX được nhận một phần lãi hạn chế nếu có trên cơ sở cổ phần đã đóng góp để trở thành xã viên. Xã viên quyết định sử dụng lãi của HTX cho những mục đích: phát triển HTX, lập quỹ dự trữ, chia lãi theo tỷ lệ công sức xã viên đóng góp, hỗ trợ các hoạt động của HTX).

– Độc lập và tự chủ (là tổ chức độc lập, tự chủ do các xã viên kiểm soát. Nếu có những thoả thuận với các tổ chức khác, kể cả chính phủ, hoặc có được vốn từ các nguồn bên ngoài, thì các HTX này cũng thực hiện những thoả thuận đó trên nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ của xã viên trong việc kiểm soát và duy trì sự tự chủ của mình).

– Giáo dục, đào tạo và thông tin (HTX đảm bảo việc giáo dục, đào tạo cho xã viên của mình, bầu các đại diện, các nhà quản l‎ và cán bộ nhân viên HTX để họ có thể đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của HTX).

– Sự hợp tác giữa các HTX (Các HTX phục vụ một cách có hiệu quả nhất cho xã viên của mình và thúc đẩy phong trào HTX bằng cách cùng nhau hoạt động thông qua các cơ cấu quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương).

– Quan tâm đến cộng đồng (Các HTX phấn đấu cho sự phát triển lâu dài của cộng đồng thông qua các chính sách với sự nhất trí của các xã viên).

              5. Ngày HTX quốc tế:

– Tháng 10-1922 tại Essen – Đức, Ban chấp hành Liên minh HTX quốc tế đã nhất trí lấy ngày thứ 7 đầu tiên của tháng 7 hàng năm làm ” NGÀY HỢP TÁC XÃ QUỐC TẾ”. Liên hiệp quốc đã có Nghị quyết công nhận về việc này.

– Khẩu hiệu thường được sử dụng trong các buổi điều hành trong ” Ngày HTX quốc tế” là “Một người vì mọi người và mọi người vì một người”.

             6. Biểu tượng Liên minh HTX quốc tế:

– Năm 1925, ICA chọn biểu tượng hình cầu vồng 7 sắc và đàn chim bồ câu bay ra làm biểu tượng chính thức của mình. Đó là tác phẩm của giáo sư Charles Gide người Pháp (một trong những người sáng lập nên CNXH không tưởng). Với ý nghĩa dễ nhận biết tượng trưng cho ngưỡng cửa bước vào một thế giới mơ ước tốt đẹp hơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here