I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN HTX Ở VIỆT NAM
1. Tư tưởng HTX du nhập vào Việt Nam:
1.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX:
– Năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ý tưởng xây dựng HTX vào nước ta. Với cách viết ngắn gọn nhưng đầy đủ các vấn đề cơ bản về HTX như:
+ Lịch sử: HTX xuất hiện đầu tiên ở Anh và lan ra các nước Tư bản chủ nghĩa.
+ Mục đích: tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
+ Tính chất: khác Hội buôn (không thuần tuý kinh tế), khác Hội từ thiện (không thuần tuý xã hội).
+ Loại hình: HTX tín dụng, mua bán, sản xuất…
+ Cách tổ chức: tự nguyện, dân chủ, hợp tác từ thấp đến cao.
– Ngày 11-4-1946, Bác Hồ đã gửi thư kêu gọi các nông gia, điền chủ lập nên HTX để phát triển sản xuất góp phần vào kháng chiến cứu quốc.
1.2. Ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác Lênin coi vận động HTX là một bộ phận của cuộc cách mạnh giải phóng giai cấp và dân tộc.
1.3. Học tập kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phong trào HTX quốc tế.
2. Quá trình phát triển:
2.1. Trong kháng chiến chống Pháp:
– Ngày 8-3-1948, từ 1 tổ sản xuất chai lọ thuỷ tinh y tế phục vụ kháng chiến, HTX thuỷ tinh Dân Chủ được thành lập tại An toàn khu Định Hoá – Thái Nguyên, đây là HTX đầu tiên và cũng là HTX thủ công nghiệp đầu tiên ở nước ta (Hiện HTX này vẫn tồn tại và có trụ sở tại Hà Nội).
– Năm 1949 Đảng và Chính phủ chủ trương lập các tổ đổi công trong sản xuất nông nghiệp. Từ tổ đổi công từng vụ, việc đến đổi công thường xuyên, tạo sự hợp tác ở nông thôn, điển hình có tổ đổi công Hoàng Anh và Trịnh Xuân Bái, xây dựng thí điểm 2 HTX nông nghiệp Yên Đoài (Thanh Hoá) và Tân Mỹ ( Nghệ An).
2.2. Từ năm 1954 đến năm 1975:
– Năm 1955 mở rộng thí điểm thêm 6 HTX nông nghiệp ở Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thái Nguyên. Cả 8 HTX thí điểm trên có 106 xã viên và 59,46 ha đất canh tác.
– Từ 1955 – 1957 sau 3 năm thực hiện thí điểm đã xây dựng được 45 HTX và trên 100 ngàn tổ đổi công. Ngày 15/3/1955 thành lập HTX mua bán đầu tiên tại Thanh Ba (Phú Thọ). Năm 1956 Chính phủ chủ trương xây dựng HTX tín dụng.
– Từ năm 1958 – 1960 tiếp tục tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch mở rộng HTX:
Số tổ đổi công tăng đến 244.400 và 4.823 HTX. Đến cuối năm 1960 đã có 85% hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp bậc thấp, 251 HTX mua bán cấp huyện, 4320 cửa hàng HTX mua bán cấp xã với 2.147.000 xã viên, 4.500 HTX tiểu thủ công nghiệp với 220.000 thợ thủ công chiếm 70% thợ thủ công.
– Từ năm 1960 – 1965 tổ chức xây dựng HTX bậc cao. Trong nông nghiệp có 40.442 HTX thì đã có 4.346 HTX bậc cao. Đến năm 1965 số HTX bậc cao là 17.562 HTX trên tổng số 32.305 HTX, số hộ nông dân tham gia đạt 89%.
– Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đến khi giải phóng miền Nam từ 1966-1975. Thời kỳ này các HTX tiếp tục được củng cố và phát triển nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất, đáp ứng nhu cầu giao nộp sản phẩm cho nhà nước để phục vụ tiền tuyến, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc để quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ. HTX chịu sự chi phối chặt chẽ của các chính sách thời chiến của Nhà nước.
2.3. Từ năm 1976 đến trước khi có luật HTX 1996:
– Từ năm 1976 – 1986: tiếp tục tổ chức lại sản xuất và củng cố HTX, ở miền Bắc đã có 3.927 HTX tiến hành tổ chức lại sản xuất trong đó đã có 3.573 HTX lên quy mô toàn xã, ở miền Nam tiến hành cải tạo XHCN đối với nông nghiệp hầu hết nông dân được đưa vào HTX và tập đoàn sản xuất. Năm 1977 toàn miền Nam có 221 HTX thủ công nghiệp với 31.700 xã viên chiếm 80% lao động thủ công nghiệp và có 50% số xã có phong trào HTX mua bán và HTX tiêu thụ. Do áp dụng cách làm và cách quản lý như ở miền Bắc và không phù hợp với đặc thù của miền Nam, kết quả là phong trào HTX ở miền Nam không thành công như mong muốn.
– Từ năm 1986 – 1996: đây là thời kỳ khó khăn nhất trong phát triển HTX ở nước ta, số lượng HTX giảm mạnh: Năm 1991 cả nước chỉ còn 2.700 HTX thủ công nghiệp với 337.000 lao động. Năm 1985 cả nước có 7.160 HTX tín dụng đến năm 1992 chỉ còn 200 HTX tín dụng. Năm 1987 cả nước có 73.490 thì đến năm 1996 giảm xuống còn 18.607 HTX. Tháng 7/1993 Chính phủ cho thí điểm xây dựng HTX tín dụng kiểu mới. Đến năm 1996 cả nước chỉ còn 326 HTX mua bán, cơ sở chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hoá.
Thực hiện nghị quyết 10/NQTW của Bộ chính trị về khoán sản phẩm trong nông nghiệp , cơ chế quản lý kinh tế đã có sự thay đổi, vai trò kinh tế hộ xác định rõ hơn, các HTX không còn nắm giữ tư liệu sản xuất nên vai trò tổ chức sản xuất đã giảm hẳn so với trước đây.
2.4. Từ khi có Luật HTX 1996 đến trước khi có Nghị quyết TW5 khoá IX.:
– Năm 1996 Luật HTX ban hành và có hiệu lực từ 1-7-1997 đã tạo hành lang pháp lý cho các HTX hoạt động trong điều kiện cơ chế thị trường. Phong trào HTX trong giai đoạn này tập trung vào chuyển đổi và thành lập HTX mới theo Luật.
– Đến năm 2000 cả nước có khoảng 240.000 tổ hợp tác, 15.144 HTX, trong đó có 8.025 HTX chuyển đổi, 3.353 HTX chưa chuyển đổi và 3.766 HTX thành lập mới. Thực chất chỉ còn 11.791 HTX hoạt động theo Luật.
Trong nông nghiệp có 10.853 HTX trong đó 5.959 HTX chuyển đổi, 1.765 HTX thành lập mới và 3.129 HTX chưa chuyển đổi.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp có 4.291 HTX trong đó có 1.566 HTX thủ công nghiệp, 974 quỹ TDND, 951 HTX giao thông, 373 HTX thương mại, 341 HTX xây dựng…
Từ khi Luật HTX có hiệu lực đến hết năm 2000 đã có 2.051 HTX phi nông nghiệp được thành lập mới (627 HTX thủ công nghiệp, 562 HTX giao thông, 201 HTX xây dựng, 162 HTX thương mại dịch vụ, 397 quỹ TDND, 52 HTX thuộc các ngành nghề khác).
- Liên hiệp HTX: Các Liên hiệp HTX thành lập trước đây có vai trò phối hợp, trợ giúp các HTX trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường các Liên hiệp HTX giảm mạnh. Qua một thời gian, nhu cầu thành lập Liên Hiệp HTX lại khôi phục.
2.5. Từ sau khi có nghị quyết TW5 khoá IX đến nay: Kinh tế tập thể có bước phát triển mạnh mẽ sau khi có Nghị quyết TW5 khoá IX và Luật HTX 2003 ra đời và có hiệu lực từ 1-7-2004. Chỉ tính riêng năm 2004 có trên 1.200 HTX mới thành lập. Đến nay nước có trên 320.000 tổ hợp tác, với 3,5 triệu người tham gia, có 17.621 HTX và 35 Liên hiệp HTX, với 12,5 triệu xã viên. Hàng năm các HTX đóng góp 13% GDP của cả nước, tổng sản phẩm tạo ra trên 45.000 tỷ đồng. Có nhiều HTX, Liên hiệp HTX phát triển rất mạnh, có doanh số hàng trăm tỷ đồng/năm như Liên hiệp HTX thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn COOP), HTX Song Long (Hà Nội), HTX may Thuận Thành (Thừa Thiên Huế), HTX Rạch Gầm (Tiền Giang)…
II. Liên minh HTX Việt Nam
1. Lịch sử hình thành:
– Những năm trước đây, khu vực kinh tế HTX ở Việt Nam có 2 tổ chức cấp Quốc gia là Liên hiệp HTX tiểu thủ công nghiệp TW và Ban quản lý HTX mua bán Việt Nam. Đây là những cơ quan Nhà nước mang tính chất hành chính, kinh tế với 3 chức năng chủ yếu là: quản lý Nhà nước về HTX; đại diện và hỗ trợ cho các HTX; quản lý sản xuất kinh doanh đối với các HTX. Tổ chức của Liên hiệp HTX tiểu thủ công nghiệp và Ban quản lý HTX mua bán Việt Nam là một hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, thành phố và quận huyện. Khi chuyển đổi cơ chế kinh tế hệ thống cơ quan này không còn phù hợp nữa.
– Ngày 18-12-1991, Chủ tịch HĐBT có Quyết định số 409/CT thành lập Hội đồng Trung ương lâm thời các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Liên hiệp HTX tiểu thủ công nghiệp TW và Ban quản lý HTX mua bán Việt Nam. Đồng chí Hoàng Minh Thắng – Uỷ viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nội thương được Trung ương cử sang giữ chức Chủ tịch (là vị Chủ tịch đầu tiên của Liên minh HTX Việt Nam).
– Ngày 30-10-1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các HTX Việt Nam lần thứ nhất được tiến hành. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội đồng Trung ương Liên minh HTX Việt Nam – tổ chức hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các HTX thuộc các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, xây dựng. Điều lệ của HĐ Liên minh HTX Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 582-TTg/QĐ ngày 01-12-1993.
– Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam kỳ họp thứ 9 (khoá XIX) thông qua luật HTX, xác định tên gọi của tổ chức đại diện và hỗ trợ cho các HTX là Liên minh HTX Việt Nam (điều 49 Luật HTX).
– Ngày 20 đến 21-01-2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh các HTX Việt Nam lần II với nội dung ” Hợp tác – Đổi mới – Phát triển” được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Đại hội thông qua Điều lệ Liên minh HTX Việt Nam và được Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 17-11-2000. Theo Điều lệ, hiện nay Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện và hỗ trợ cho các HTX, Liên hiệp HTX thuộc tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
Ngày 26-11-2003 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật HTX tiếp tục xác định vai trò, vị trí của Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức kinh tế xã hội đại diện và hỗ trợ cho các HTX trong toàn quốc (Điều 45 Luật HTX 2003).
– Ngày 27 đến 28-01-2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần III với nội dung “Hợp tác – Đổi mới – Hội nhập và Phát triển” được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Đại hội thông qua Điều lệ Liên minh HTX Việt Nam và được Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 11-4-2005.
2. Cơ cấu tổ chức:
– Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam được tổ chức 5 năm 1 lần, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh HTX Việt Nam.
– Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương. Ban chấp hành Trung ương bầu ra Ban thường vụ là cơ quan lãnh đạo của Liên minh HTX Việt Nam giữa 2 nhiệm kỳ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và một số Uỷ viên.
– Liên minh HTX Việt Nam được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Hiện nay, 62/64 tỉnh và thành phố đã có tổ chức Liên minh HTX.
– Trụ sở cơ quan Trung ương Liên minh HTX Việt Nam tại 77 – Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Giúp việc cho Trung ương Liên minh HTX Việt Nam có Văn phòng các Ban: UB kiểm tra, Ban tổ chức, Ban tuyên truyền, Ban hỗ trợ, Ban thi đua, Ban quan hệ quốc tế, Ban chính sách, Báo Kinh tế hợp tác Việt Nam, 2 Trường đào tạo cán bộ HTX, 7 Trung tâm hỗ trợ HTX, và 15 Doanh nghiệp trực thuộc.
3. Chức năng – nhiệm vụ:
* Chức năng:
– Đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên.
– Tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
– Tư vấn cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cho các thành viên.
– Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan.
– Đại diện cho các thành viên trong quan hệ đối nội, đối ngoại theo quy định của pháp luật.
* Nhiệm vụ: Tham gia xây dựng các chiến lược, kế hoạch và các chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các thành viên để phản ánh, kiến nghị và đề xuất với Chính phủ, Nhà nước về các vấn đề, chính sách pháp luật có liên quan. Phối hợp tham gia xây dựng các văn bản pháp luật. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Tổng kết và phổ biến kinh nghiệm của các HTX điển hình tiên tiến, tổ chức phong trào thi đua trong hệ thống Liên minh. Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho các thành viên về pháp lý, đầu tư khoa học công nghệ, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường và các lĩnh vực khác. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống Liên minh, cán bộ quản lý , xã viên và người lao động trong các HTX và các thành viên khác. Tham gia các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức ở các nước, tiếp nhận và tổ chức thực các chương trình, dự án hỗ trợ, các khoản viện trợ để phát triển khu vực kinh tế hợp tác , HTX. Thực hiện các nhiệm vụ khác và chính quyền các cấp giao.
4. Thành viên:
Liên minh HTX Việt Nam có thành viên chính thức và thành viên liên kết.
– Thành viên chính thức: là các tổ hợp tác, các HTX, Liên hiệp HTX.
– Thành viên liên kết: là các đơn vị kinh tế, xã hội, các Hội, các Hiệp hội ngành nghề, các cơ quan nghiên cứu khoa học, đào tạo, các tổ chức kinh tế khác trong và ngoài nước.
Các thành viên tham gia Liên minh HTX Việt Nam trên cơ sở tự nguyện, tán thành điều lệ Liên minh HTX Việt Nam.
- Quyền lợi của thành viên:
– Được hỗ trợ, tư vấn và cung cấp dịch vụ nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, được hỗ trợ khi gặp rủi ro.
– Được cung cấp các thông tin về kinh tế, pháp lý, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực có liên quan khác.
– Được giúp đỡ trong việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ và người lao động ở trong và ngoài nước.
– Được bảo vệ trước pháp luật khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
– Được thảo luận đề xuất, kiến nghị các vấn đề về chính sách pháp luật có liên quan, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Liên minh.
– Thành viên chính thức được đề cử, ứng cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Liên minh.
– Được Liên minh khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng khi lập thành tích xuất sắc.
- Nghĩa vụ của thành viên:
– Chấp hành pháp luật của nhà nước, Điều lệ của Liên minh và các Nghị quyết của Đại hội, của Ban chấp hành Liên minh HTX các cấp.
– Tham gia các hoạt động của Liên minh.
– Đoàn kết hợp tác với các thành viên khác cùng thực hiện những mục tiêu chung của cộng đồng và vì lợi ích cộng đồng.
– Thực hiện các chế độ báo cáo, thông tin định kỳ theo quy định của Liên minh.
– Đóng hội phí theo quy định
Hiện nay tổng số thành viên tham gia Liên minh HTX Việt Nam là 12.400 đơn vị, trong đó có 9.450 HTX, Liên hiệp HTX, và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, hoạt động trong tất cả các nghành, các lĩnh vực kinh tế.
5. Quan hệ hợp tác quốc tế.
Liên minh HTX Việt Nam là thành viên của 2 tổ chức quốc tế: Liên minh HTX quốc tế ICA và Hiệp hội các xí nghiệp nhỏ và vừa thế giới WASME và là đại diện giới sử dụng lao động trong tổ chức lao động quốc tế ILO.
Hiện nay Liên minh HTX Việt Nam có quan hệ hợp tác hầu hết với các Liên minh HTX trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, có quan hệ và trao đổi thông tin với trên 200 tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khác.