THÀNH PHỐ YÊN BÁI ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CHẤT LƯỢNG CAO

0
527

Nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có và phát huy hiệu quả ngành nông nghiệp, thành phố Yên Bái đã xây dựng “Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới.

 

Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Tuy Lộc.

Là một trong những điểm nhấn cho nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của thành phố, năm qua, thành phố đã tiếp tục chỉ đạo duy trì và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn ở 3 xã Âu Lâu, Văn Phú, Tuy Lộc với tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng. Với những hỗ trợ từ thành phố, Âu Lâu là 1 trong 3 xã đã duy trì và phát triển khá tốt mô hình trồng rau an toàn bằng việc thành lập thêm Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn thôn Đầm Vông với diện tích 1,4 ha. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã Âu Lâu đã gộp 2 tổ hợp tác thôn Đồng Đình và Đầm Vông để thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau an toàn xã Âu Lâu.

 Ông Nguyễn Trịnh Huy – Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn xã Âu Lâu cho biết: “Được sự hỗ trợ của thành phố, HTX chúng tôi được hỗ trợ trên 40 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo đảm các điều kiện để sản xuất rau an toàn. Đặc biệt, với việc được chứng nhận cơ sở sản xuất rau đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã mang lại sự tin tưởng cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, dần thay thế phương thức canh tác không an toàn sang sản xuất thực phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

 Không chỉ ở xã Âu Lâu mà cả Tuy Lộc, Văn Phú cũng đang tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích rau an toàn. Hiện nay, tổng diện tích được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 3 xã là 10,08 ha/109 hộ tham gia; tổng diện tích gieo trồng rau an toàn của 3 xã là 10,27 ha/3 vụ, sản lượng ước đạt 270 tấn. Với giá bán trung bình cả năm đạt 7.000 đồng/kg, nhiều hộ dân trồng rau đã vươn lên làm giàu ổn định cuộc sống; tập quán canh tác cũng chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa và thị trường.

Cùng với hỗ trợ sản xuất rau an toàn, thành phố còn hỗ trợ 1,7 tỷ đồng để triển khai thực hiện 144 dự án chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư máy móc thiết bị, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lắp đặt xây dựng hầm biogas… 

Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao trình độ canh tác của người dân bằng việc hướng dẫn người dân trong việc chọn lựa giống theo đúng cơ cấu giống, gieo trồng theo đúng khung lịch thời vụ, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.

 Nhờ đó, việc triển khai sản xuất của người dân có nhiều kết quả khả quan, thúc đẩy nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện; tạo điều kiện từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Bước đầu thực hiện Đề án, bộ mặt nông thôn đã dần thay đổi, nhận thức về sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo xu hướng của thị trường ngày càng sâu rộng trong nhân dân. Nhiều nông dân sản xuất có hiệu quả, tiêu biểu như: ông Bùi Quốc Hùng ở phường Hợp Minh, ông Nguyễn Kim Hội ở xã Văn Phú, ông Đoàn Hữu Huân ở xã Tân Thịnh, ông Phan Văn Thà ở xã Văn Tiến…

 Để Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả, thành phố sẽ nâng mức hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp theo đó tập trung hỗ trợ xây dựng các dự án như: trồng cây dược liệu, cây ăn quả có múi, chăn nuôi theo hướng an toàn, rau an toàn, thực hiện chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; khuyến khích phát triển các trang trại tổng hợp, phát triển HTX, tổ hợp tác sản xuất để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thành phố cũng hỗ trợ để người sản xuất được kết nối cung cầu nhằm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 


Nguồn http://www.baoyenbai.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here