Đứng trước khó khăn của doanh nghiệp, các ngành chức năng ở Yên Bái đã và đang vào cuộc mạnh mẽ, với nhiều giải pháp nhằm tạo thêm trợ lực cho doanh nghiệp phát triển. Buổi gặp mặt của đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành với đại diện các doanh nghiệp khu vực phía Tây được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ diễn ra chiều 25/4, càng thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh Yên Bái với những khó khăn mà các doanh nghiệp đã và đang đối mặt.
Đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi gặp mặt.
Trên địa bàn hiện có 68 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chè, đây là khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến chè lớn của tỉnh; là vùng tập trung nguyên liệu chè với trên 50% số cơ sở sản xuất và trên 60% diện tích vùng nguyên liệu. Sản phẩm hiện nay chủ yếu là chè đen (thô) chiếm 80% giá bán thấp, nên giá trị kinh tế không cao, sản lượng sản xuất năm 2012 được 10.561 tấn chè khô. Thời gian qua, trên địa bàn đã phát triển nhiều cơ sở chế biến nhỏ, không cân đối với vùng nguyên liệu; cùng với việc thu hái và chế biến không đúng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của chè Yên Bái…Bởi vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã yêu cầu 8 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành nghề chế biến chè do 2 năm liên tiếp xếp loại C…
Anh Nguyễn Thành Vinh – Giám đốc Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ tâm sự: “Công ty Cổ phần chè nghĩa lộ được cổ phần hóa năm 2000 chuyên sản xuất chế biến, tiêu thụ chè đen xuất khẩu; mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2012 Công ty sản xuất trên 1.900 tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 47 tỷ đồng. Để ổn định sản xuất kinh doanh, Công ty mong muốn tỉnh cần có chuyên đề nâng cao chất lượng sản phẩm chè và có chính sách bảo hộ cho người đầu tư vùng nguyên liệu, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, không cấp phép cho các cơ sở không có nguồn nguyên liệu, tránh tình trạnh tranh mua tranh bán; đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn lưu động để mua nguyên liệu”. Tâm tư của anh Vinh cũng là nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tại buổi gặp mặt.
Đại diện các doanh nghiệp phát biểu ý kiến.
Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của suy thoái, các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ rừng trồng và sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều trở ngại. Sản lượng gỗ bóc năm 2012 đạt 30.000 m3; sản xuất gạch xây các loại đạt 65 triệu viên nhưng tồn kho nhiều, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao…Đặc biệt, đây là khu vực có tiềm năng khoáng sản khá lớn, với nhiều dự án đang được đầu tư. Cụ thể, có 16 dự án thăm dò, 37 dự án được cấp phép khai thác và 15 dự án khai thác chế biến khoáng sản đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản…Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này đều khó khăn trong huy động vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như: Sản xuất kinh doanh điện, lĩnh vực xây dựng, kinh doanh dịch vụ thương mại cũng gặp tình trạng tương tự, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc thông báo giải thể…
Anh Triệu Quốc Tuấn – Đại diện công ty cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Thạch Sơn cho biết: “Năm 2012 vừa qua, do giá đầu ra sản phẩm thấp vì hàm lượng sắt trong quặng không cao nên Công ty tạm dừng khai thác hai mỏ sắt. Để đảm bảo cuộc sống cho công nhân, Công ty khai thác 5000 m3 đá Thạch Anh doanh thu đạt trên 3,5 tỷ đồng. Tại buổi gặp mặt này, Công ty mong chính quyền địa phương cần phối hợp tốt và giúp đỡ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng, đồng thời có biện pháp nâng cấp đường giao thông vào cụm công nghiệp.”
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng chí Phạm Duy Cường – Phó bí thư tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh sẽ chủ động xây dựng phương án báo cáo các bộ, ngành Trung ương giúp các doanh nghiệp về nguồn vốn tín dụng, cơ cấu trong đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực quặng sắt, đá trắng, chì kẽm và một số ngành hàng khác. Chủ động rà soát các hệ thống chính sách với doanh nghiệp và tỉnh để thống nhất một bộ chính sách. Tập trung cải tạo hệ thống hạ tầng như điện, đường, nước; xử lý các vấn đề môi trường khi đi vào sản xuất, các dự án di dân làm sao để dân sống tốt hơn nơi ở cũ.
Tăng cường công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về sự phát triển của doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế- xã hội, để dân hiểu và giúp doanh nghiệp, tăng cường công tác giáo dục cán bộ, thanh tra công vụ. Huyện và Cục thuế cần thực hiện đúng, đủ chính sách miễn giảm hoãn thuế của Chính phủ với tất cả các đối tượng theo quy định; thực hiện hậu kiểm thuế. Một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lên Yên Bái đầu tư phải có nghĩa vụ đăng ký khai thuế tại Chi cục Hải Quan Yên Bái…”
Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng với sự vận dụng linh hoạt các chính sách ưu đãi mà tỉnh Yên Bái đã làm đối với doanh nghiệp, tin rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
nguồn http://www.yenbai.gov.vn