I. Thực trạng tiếp cận vốn của khu vực Kinh tế tập thể, hợp tác xã
1. Thực trạng nhu cầu vốn của khu vực Kinh tế tập thể, hợp tác xã
Kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội Đất nước, vì vậy; thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, đồng thời đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 2011: “Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế tập thể cùng với Kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Tuy nhiên thời gian qua, Kinh tế tập thể còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Nhìn chung vốn điều lệ của các HTX còn quá nhỏ, nhiều HTX chỉ có số vốn dưới 500 triệu đồng, việc huy động vốn nội bộ của HTX gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn của thành viên HTX là rất có hạn. Cùng với đó, các HTX cũng rất khó tiếp cận với nguồn vốn từ bên ngoài. Do các HTX thiếu thông tin về tài chính, tín dụng, không hiểu rõ quy trình, thủ tục, khả năng xây dựng dự án và tài sản thế chấp yếu. Ngoài ra, các HTX chưa tạo được uy tín cao đối với các tổ chức tín dụng, nên việc vay vốn thường gặp nhiều trở ngại. Từ những khó khăn đó cho thấy các HTX rất cần được hỗ trợ về tài chính, tín dụng để đảm bảo vốn cho phát SXKD.Theo số liệu điều tra, khảo sát của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực Kinh tế tập thể, HTX hiện nay lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
2. Các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng của Nhà nước trong thời gian qua
– Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cho vay sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, liên kết với mức vốn lên tới 2 tỷ đồng/HTX; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng CP ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX, THT, cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay tại ngân hàng thương mại trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 (Quỹ TW); tính đến hết năm 2017, cả nước có 47 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ để hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Đ/c Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội thảo
3. Những bất cập khó khăn trong tiếp cận vốn các tổ chức tín dụng của khu vực Kinh tế tập thể, hợp tác xã
Mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về tín dụng khuyến khích phát triển Kinh tế tập thể, HTX, nhưng việc triển khai trong thực tiễn còn nhiều bất cập, khó khăn. Trong thực tế chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Dư nợ cho vay đối với các HTX, LHHTX được cho vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đến hết năm 2016 chỉ đạt gần 70 tỷ đồng của 35 hợp tác xã. Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2016 chỉ có 26 HTX đang vay vốn với dư nợ 8,9 tỷ đồng.
Đối với Yên Bái: Trên địa bàn hiện có 301 HTX với số vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, doanh thu hàng năm bình quân đạt sấp sỉ 3 ngàn tỷ đồng và gần 1.000 THT. Nhu cầu vốn của các HTX, THT mỗi năm khoảng 50 đến 60 tỷ đồng, xong chủ yếu là vốn lưu động, vốn đầu tư phát triển chỉ khoảng 10 đến 15 tỷ đồng/năm.
Kết quả tiếp cận vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái được thành lập năm 2011, với số vốn điều lệ được ghi là 3 tỷ đồng, song thực tế khi bắt đầu đi vào hoạt động chỉ được cấp 700 triệu đồng và được cấp bổ sung hàng năm, đến nay tổng vốn điều lệ của Quỹ đạt 3,5 tỷ đồng, tuy còn nhỏ, nhưng đã phần nào giúp các HTX, THT đỡ khó khăn về vôn, Quỹ đã giải quyết cho 39 lượt khách hàng vay vốn, với số tiền quay vòng sấp sỉ 7tỷ đồng để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực SXKD, phát triển sản phẩm. Ngoài ra Quỹ đã tư vấn hồ sơ vay vốn cho hàng chục HTX được vay vốn từ ngồn Quỹ HTPTHTX trung ương với số vốn gần chục tỷ đồng; tất cả các dự án này đều sử dụng vốn đúng mục đích, thanh toán nợ lãi và gốc đúng hạn, đem lại hiệu quả cao cho phát triển HTX trên địa bàn.
Về tình hình tiếp cận chính sách vốn tín dụng của các HTX: Năm 2017 chỉ có 23 HTX được vay vốn từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, với số vốn được vay là 32 tỷ đồng, chiếm 0,2% so với tổng số dư nợ cho vay của toàn hệ thống tín dụng trên địa bàn là 17.252 tỷ đồng; trong quí I/2018 số HTX được vay vốn là 25 HTX, với số tiền là 40,7 tỷ đồng, chiếm 0,23 %/tổng số dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 17.606,5 tỷ đồng.
Trong đó số HTX được vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP năm 2017 chỉ có 11 HTX, với số vốn được vay là 29,8 tỷ đồng/tổng dư nợ cho vay là 8.095 tỷ; quí I/2018 là 15 HTX được vay, với số vốn là tỷ 29,4 đồng, chiếm 0,34%/tổng dư nợ cho vay là 8.550,3 tỷ đồng.
Hầu hết số HTX này được Liên minh HTX tỉnh tư vấn về hồ sơ, thủ tục và làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để được giải quyết.
Sở dĩ các HTX khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng là do các nguyên nhân chủ yếu sau:
– Chính sách của Chính phủ là vậy; song thực tế các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng thực chất là hoạt động kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt, với chức năng là huy động nguồn vốn trong dân cư và cho vay, do vậy mục tiêu của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trước hết là phải bảo toàn và tăng trưởng vốn, tiến tới mục tiêu lợi nhuận. Chính vì vậy phải có yêu cầu cao về điều kiện và thủ tục;
– Nhiều HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận, tiếp nhận vốn tín dụng do tiềm lực tài chính còn hạn chế, thiếu hoặc không có tài sản bảo đảm cho khoản vay; khả năng xây dựng dự án, phương án SXKD thiếu thuyết phục do hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, sản xuất hàng hóa chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản suất đến tiêu thụ sản phẩm, dẫn tới khả năng tiếp cận và thuyết phục các tổ chức tín dụng thấp, mặt khác phần lớn chỉ có nhu cầu tiếp cận vốn lãi suất thấp có sự hỗ trợ của Nhà nước;
– Một số HTX sử dụng vốn vay không hiệu quả;
– Việc giao và cho thuê đất đối với HTX còn bất cập, đa số các HTX, không có mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư, không có đất để thế chấp vay vốn. Hoặc có đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nên không sử dụng được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
I. Thực trạng hoạt động của các Quỹ
Nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực Kinh tế hợp tác, HTX là rất lớn và cấp thiết. Nguồn vốn tín dụng là yếu tố quyết định để phát triển SXKD, nhưng đa số các HTX không tiếp cận được với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực Kinh tế hợp tác, HTX, đến hết năm 2017, theo số liệu điều tra, khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam ngoài Quỹ HTPTHTX Việt Nam, đã có 47 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ HTPTHTX địa phương. Sự ra đời và hoạt động của hệ thống Quỹ HTPTHTX đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của HTX, thành lập mới cácTHT, HTX; hỗ trợ HTX đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, tăng quy mô, doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; xây dựng và nhân rộng, mô hình điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, hoạt động của các Quỹ vẫn còn những tồn tại, bất cập, hạn chế đó là:
– Hầu hết các Quỹ địa phương vốn hoạt động còn rất nhỏ, thấp xa so với nhu cầu vốn của các HTX và thành viên, một nửa số Quỹ có mức vốn hoạt động dưới 10 tỷ đồng (thậm chí có Quỹ vốn điều lệ chỉ 1-2 tỷ); chỉ có 2 Quỹ Quỹ TPHCM và Quỹ Hà Nội có vốn hoạt động trên 100 tỷ đồng.
– Cơ cấu nguồn vốn hoạt động của các Quỹ khác nhau, vốn hoạt động chủ yếu từ nguồn Ngân sách cấp, nhiều Quỹ có cả nguồn vốn vay từ Ngân sách, vốn góp và vốn tiết kiệm của thành viên.
– Hầu hết các Quỹ được giao cho Liên minh HTX tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý hoạt động rất hiệu quả;
– Cơ chế cho vay khác nhau, có Quỹ chỉ cho vay đầu tư, có Quỹ vừa cho vay đầu tư, vừa cho vay vốn lưu động; có Quỹ chỉ cho vay HTX, LHHTX, có Quỹ còn cho vay đến tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và thành viên tổ hợp tác.
– Chưa có sự liên kết, hợp tác thống nhất theo hệ thống, đặc biệt là chưa có sự ủy thác vốn giữa Quỹ trung ương và địa phương.
– Dự thảo Quy định về nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho Quỹ có nhiều bất cập Do hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro; cần quy định rõ cơ chế cấp bù từ Ngân sách nếu phát sinh rủi ro không thể bù đắp trong hoạt động bảo lãnh của các Quỹ.
– Dự thảo Quy định về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư quy định nguồn hỗ trợ lãi suất sau đầu tư lấy từ nguồn chênh lệch thu – chi của Quỹ, do nguồn chênh lệch này rất eo hẹp, dẫn tới không công bằng, tạo cơ chế xin cho, dễ phát sinh tiêu cực và rủi ro đạo đức.
III. Từ thực tiễn nêu trên, tôi đề xuất cơ chế tổ chức, hoạt động chủ yếu của các Quỹ như sau:
1. Mục tiêu, yêu cầu khi ban hành Nghị định
– Bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách ưu đãi của Nhà nước, phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật HTX 2012 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu trên, để ban hành khung khổ pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ, nhằm thúc đẩy các tỉnh, thành phố đều có Quỹ, các Quỹ đã thành lập phát triển mạnh mẽ; vừa đảm bảo tính tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm, bảo toàn vốn, vừa tăng cường liên kết hệ thống các Quỹ từ trung ương đến địa phương;
– Đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, trung và dài hạn hướng tới mục tiêu mọi hợp tác xã và thành viên, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh có hiệu quả đều tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi từ các Quỹ;
– Các Quỹ là các tổ chức Tài chính Nhà nước hoạt động độc lập, trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam (đối với Quỹ trung ương) và Liên minh HTX tỉnh, thành phố (đối với Quỹ địa phương).
– Hoạt động của Quỹ vừa thực hiện chức năng hỗ trợ ưu đãi từ nguồn Ngân sách Nhà nước, vừa đẩy mạnh tiếp cận các nguồn lực và cho vay theo cơ chế thị trường, trên cơ sở khung quy định, với tinh thần thủ tục và lãi suất vừa đảm bảo tính ưu đãi, ưu việt, nhân văn của Quỹ, vừa đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn, với khung lãi suất tối đa phải thấp hơn lãi suất của ngân hàng thưong mại, đồng thời tối thiểu không thấp hơn lãi suất cho vay đầu tư phát triển tại thời điểm .
– Quy định mức vốn điều lệ tối thiểu của các Quỹ ở mức hợp lý để đảm bảo các tỉnh, thành phố đều có thể thành lập được Quỹ.
– Cơ chế hỗ trợ phải đảm bảo phù hợp với đặc thù của khu vực Kinh tế hợp tác, HTX, đáp ứng được nhu cầu về vốn phát triển SXKD, đặc biệt là vốn ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động (do tính chất thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp), mở rộng đối tượng hỗ trợ đến thành viên HTX và tổ hợp tác.
2. Đề xuấtmô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các Quỹ
a. Về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của các QuỹNghị định cần quy định:
– Về địa vị pháp lý, đề nghị quy định: Quỹ HTPTHTX là tổ chức Tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập (đối với Quỹ Trung ương) hoặc do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố thành lập (đối với Quỹ địa phương), có tư cách pháp nhân độc lập, trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam (đối với Quỹ trung ương) và Liên minh HTX tỉnh,thành phố (đối với Quỹ địa phương).
Lý do đề xuất: Thực tế hiện nay một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang … nguồn vốn hình thành Quỹ không chỉ là vốn Ngân sách cấp, mà còn được huy động từ nhiều nguồn như: Vốn vay Ngân sách, vốn huy động và vốn tiết kiệm của thành viên… Do đó, cần phải bổ sung loại hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX không phải 100% vốn sở hữu của Nhà nước, tạo điều kiện cho các Quỹ có thể huy động mọi nguồn lực trong khu vực Kinh tế tập thể và thị trường, cùng với Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho khu vực Kinh tế hợp tác, HTX phát triển; mặt khác giảm gánh nặng về Ngân sách Nhà nước.
– Về mô hình tổ chức: Đề nghị quy định Hội đồng quản lý Quỹ từ 3 – 5 thành viên:
+ Đối với Quỹ Trung ương gồm một Lãnh đạo Liên minh hợp tác xã Việt Nam kiêm Chủ tịch Quỹ; Giám đốc Quỹ là Phó Chủ tịch HĐQL và 01 thành viên khác do Chủ tịch Liên minh Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm.
+ Đối với Quỹ địa phương gồm Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh, thành phố kiêm Chủ tịch Quỹ; Giám đốc Quỹ, một đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, một đại diện Sở Tài chính, một đại diện Sở KH&ĐT do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm.
– Về điều kiện tham gia: Chủ tịch HĐQL và Giám đốc Quỹ đặc biệt là Quỹ địa phương:
+ Chủ tịch HĐQL Quỹ phải là Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thành phố;
+ Giám đốc Quỹ là Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thành phố, được HĐQL Quỹ giới thiệu và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định bổ nhiệm, điều kiện bổ nhiệm phải có trình độ đại học chuyên ngành về quản lý kinh tế hoặc tài chính kế toán, ngân hàng trở lên.
Lý do đề nghị: Quy định như vậy để đảm bảo hoạt động của các Quỹ vừa gắn với hoạt động của Liên minh hợp tác xã; vừa đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về công tác cán bộ và quản lý rủi ro trong hoạt động của Quỹ, vừa đảm bảo phân cấp quản lý.
b. Về nguồn vốn
– Về vốn điều lệ, đề nghị quy định:
+ Đối với các Quỹ được thành lập sau khi Nghị định có hiệu lực: “Mức vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ Hợp tác xã địa phương phải có: Đối với các tỉnh tự đảm bảo được 100% cân đối Ngân sách, tối thiểu phải có mức vốn điều lệ 50 (năm mươi) tỷ đồng; tự đảm bảo từ 70% đến dưới 100% cân đối Ngân sách, tối thiểu 30 (ba mươi) tỷ đồng; tự đảm bảo được từ 50% đến dưới 70% cân đối Ngân sách, tối thiểu 20 (hai mươi) tỷ đồng; tự đảm bảo dưới 50% cân đối Ngân sách, tối thiểu 10 (mười) tỷ đồng. Trong thời hạn 3 (ba) năm, tức 36 (ba mươi sáu tháng), kể từ ngày thành lập Quỹ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí Ngân sách địa phương cấp đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị định này.”.
+ Đối với các Quỹ đã thành lập trước thời điểm Nghị định có hiệu lực:
Trong thời hạn 3 (ba) năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí Ngân sách địa phương cấp đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Nghị định này.”.
Lý do đề nghị: Quy định như dự thảo thì trừ Quỹ trợ vốn Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ HTPTHTX Hà Nội (có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng), còn lại các Quỹ địa phương khác đã thành lập hầu như sẽ rơi vào diện bắt buộc phải giải thể. Các tỉnh chưa thành lập Quỹ sẽ không thể thành lập được. Khi đó, cùng một chính sách của Nhà nước, nhưng có địa phương HTX được thụ hưởng, có địa phương thì không, không đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các HTX. Mặt khác nhu cầu vốn của mỗi địa phương rất khác nhau, đặc biệt đối với các địa phương chậm phát triển như Yên Bái, nhu cầu vốn không thực sự quá lớn, nếu quy định chung các Quỹ địa phương phải có số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, sẽ gây khó khăn cho việc thành lập do khả năng Ngân sách của địa phương không thể đáp ứng, mặt khác gây lãng phí Ngân sách.
– Về nguồn vốn hoạt động: vốn Ngân sách Nhà nước cấp, vốn vay từ Ngân sách Nhà nước, vốn nhận ủy thác, vốn huy động từ thị trường (quy định về huy động vốn từ thị trường để cho vay với lãi suất thích hợp, song cần quy định thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại tại thời điểm), các nguồn tài trợ, viện trợ, vốn huy động và tiết kiệm từ thành viên; các nguồn huy động khác theo quy định của pháp luật (cần có cơ chế cụ thể để huy động được các nguồn vốn này).
c. Về đối tượng, phương thức và cơ chế hỗ trợ
– Về đối tượng, phương thức hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi, lĩnh vực, địa bàn: Đối tượng hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên thông qua phương thức cho vay. Việc cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn do Quỹ quyết định căn cứ vào thực tế, nhu cầu vốn của đối tượng vay (không quy định giới hạn về ngành, nghề, địa bàn, lĩnh vực như dự thảo Nghị định. Tuy nhiên cần ưu tiên đối với các HTX, LHHTX, THT và thành viên hoạt động trong lĩnh vực và địa bàn nông nghiệp nông thôn).
Lý do đề nghị: Theo dự thảo các Quỹ chỉ cho vay đầu tư đối với các HTX, LHHTX, không được cho vay vốn lưu động, không cho vay thành viên HTX và tổ hợp tác, trong khi nhu cầu bức thiết nhất của khu vực Kinh tế hợp tác, HTX hiện nay là vốn ngắn hạn (vốn lưu động phục vụ SXKD thường xuyên). Thực tiễn hoạt động các Quỹ: Đa số đều cho vay vốn lưu động và cho vay đến thành viên HTX, tổ hợp tác đang hoạt động rất an toàn và hiệu quả. Mặt khác chủ trương của Đảng, Nhà nước với mục tiêu hoạt động của HTX chủ yếu là hỗ trợ thành viên phát triển.
– Về áp dụng cơ chế ưu đãi: Ưu đãi về mặt thủ tục, mở rộng cho vay tín chấp là chủ yếu đối với HTX hoạt động hiệu quả. Đối với nguồn vốn được cấp từ Ngân sách: Do Hội dồng quản lý Quỹ quy định trong từng thời kỳ, lãi suất tối tối thiểu không thấp hơn 60% và tối đa không cao hơn 80% lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước;
– Đối với các nguồn vốn huy động từ thị trường: Các Quỹ cho vay với lãi suất tối đa không quá 90% lãi suất bình quân của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tại thời điểm.
– Về quản trị rủi ro: Có các quy định về chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động của các Quỹ.
d. Về liên kết hệ thống các Quỹ theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:
– Cần bổ sung một chương quy định về hoạt động ủy thác và nhận ủy thác; nguồn vốn.
– Bổ sung quy định để các Quỹ có sự liên kết, hỗ trợ hệ thống về quản trị hoạt động, đào tạo, công nghệ, tiếp cận nguồn lực từ thị trường, hỗ trợ vốn thông qua ủy thác, hệ thống thông tin, báo cáo, trong đó Quỹ trung ương giữ vai trò đầu mối liên kết nhằm sử dụng hiệu quả tổng nguồn vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.
|
CHỦ TỊCH LIÊN MINH HTX TỈNH YÊN BÁI Đỗ Nhân Đạo |