Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiến hành khảo sát 90 HTX trên địa bàn 55 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, qua khảo sát đã làm rõ vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới
Lao động trong các HTX 100% là lao động tại địa bàn nông thôn, trong khu vực HTX tổ chức hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển mạnh mẽ loại hình HTX trợ giúp đắc lực cho việc nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn (LĐNT) có việc làm ổn định.
80% LĐNT được đào tạo nghề thông qua hệ thống HTX, những kỹ năng lao động, những kỹ thuật được đào tạo trong HTX là nền tảng cho LĐNT nâng cao hiệu quả lao động không chỉ cho HTX mà còn áp dụng vào thực tế sản suất kinh doanh của hộ cá thể tại địa phương.
Luôn có sự liên kết chặt chẽ giữa hoạt động sản suất kinh doanh dịch vụ của HTX và phát triển kinh tế tại địa phương. LĐNT khi tham gia HTX không chỉ được hưởng lợi về vị trí việc làm mà còn hưởng lợi từ hoạt động liên kết kinh tế hộ với HTX, hưởng lợi từ việc góp vốn phân chia lợi nhuận với HTX.
Kết quả điều tra thực trạng từ 3 nhóm đối tượng LĐNT đang làm việc trong HTX, LĐNT chưa tham gia HTX và lãnh đạo địa phương đều có chung nhận định và tin tưởng vào mô hình Kinh tế hợp tác, HTX là loại hình phù hợp hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phát triển, XDNTM và mô hình tiêu biểu cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nông thôn.
Nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT tham gia các HTX rất lớn 91% LĐNT được hỏi mong muốn tham gia HTX.
Thu nhập bình quân trong các HTX ở mức khá, đủ sức hấp dẫn đối tượng LĐNT tham gia hoạt động trong môi trường HTX.
Tính chất lao động trong các hợp tác xã phù hợp với đặc điểm mang tính thời vụ và trình độ tay nghề thấp của LĐNT. HTX sử dụng nhiều LĐ với hợp đồng ngắn hạn, không đòi hỏi quá cao về trình độ kỹ thuật nên nguồn nhân lực từ LĐNT dễ dàng tiếp cận và tham gia. Tham gia HTX không những LĐNT có thể duy trì phát triển kinh tế hộ gia đình của mình, mà còn hưởng lợi từ hoạt động liên kết cung ứng sản phẩm dịch vụ cho HTX.
LĐNT có được mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo, HĐQT, Ban Giám đốc HTX, môi trường lao động trong các HTX được LĐNT đánh giá cao về mức độ an toàn và tính chuyên nghiệp.
Có thể tham gia hầu hết các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, HTX đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ các chỉ tiêu nhóm III- Kinh tế và tổ chức sản xuất. Trong đó đặc biệt hiệu quả là tiêu chí số 13 và tiêu chí số 10 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các HTX đang tham gia hỗ trợ hiệu quả cho 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được các lãnh đạo địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Những tồn tại hạn chế
Thực tế, tỷ lệ LĐNT tham gia HTX còn rất nhỏ bé chỉ chiếm 4,9% số LĐNT trên địa bàn.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của LĐNT tham gia trong các HTX ở mức rất thấp, rất ít LĐ có trình độ cao tham gia trong các HTX. Tỷ lệ lao động phổ thông và lao động có trình độ sơ cấp chiếm tới 62,7% tổng số lao động trong HTX.
Tính kỷ luật, chấp hành nội quy và năng suất lao động của LĐNT và LĐNT trong HTX còn rất thấp.
Độ tuổi bình quân của lao động nông thôn trong các HTX quá cao gấp 1,3 lần (lớn hơn 10 tuổi) so với mức bình quân của cả nước. Đây được xem là hạn chế lớn nhất của LĐNT trong HTX. Độ tuổi bình quân cao ảnh hưởng tới khả năng học tập nâng cao trình độ sản suất của LĐ, hạn chế sức sáng tạo đổi mới trong sản xuất kinh doanh của các HTX. Với trình độ sản xuất còn mang tính giản đơn, tính chất lao động mang nặng tính thủ công thì độ tuổi bình quân cao của lao động trong HTX càng có tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động trong các HTX.
Hoạt động sản xuất của các HTX còn mang tính thời vụ, tính chất công việc không đồng đều ảnh hưởng tới thời gian lao động, thu nhập của người lao động trong HTX. Do vậy chưa hấp dẫn được nhiều lao động có trình độ cao.
Tỷ lệ LĐNT trong các HTX được tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, các tổ chức của người lao động trong các HTX còn thiếu nên chưa thu hút đông đảo LĐNT tham gia HTX.
Nguyên nhân:
Các HTX hiện tại trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn rất nhỏ bé với quy mô chỉ đạt 315 HTX, trong đó tỷ lệ HTX không đủ điều kiện hoạt động theo Luật HTX 2012 trên 30%. Với một số lượng nhỏ HTX được thành lập và hoạt động trên địa bàn không thể tạo ra số lượng vị trí việc làm lớn cho LĐNT.
Chất lượng hoạt động của HTX còn thấp, số lượng thành viên quá thấp, rất ít các hợp tác xã hoạt động với đầy đủ tính năng và đúng bản chất, nguyên tắc hoạt động của mô hình Hợp tác xã. Vai trò và hiệu quả hoạt động của HTX chỉ được thể hiện rõ khi qui mô, số lượng thành viên thực sự lớn. Tại tỉnh Yên Bái chỉ có khoảng 30 HTX (chiếm 10%) trong đó chủ yếu là các Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện được tiêu chí này. Số lượng thành viên bình quân 1 HTX của tỉnh khi không tính tới Hệ thống QTD nhân dân đạt 60 thành viên/1 HTX; vốn điều lệ bình quân 1.086.000.000đồng /1 HTX. Khi xét riêng hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân thì số lượng thành viên bình quân 1 Quỹ tín dụng đạt 1.197 thành viên; vốn điều lệ đạt 1.400.000.000đ/1 QTD.
Xu hướng phát triển các HTX trong những năm gần đây thường thu nhỏ số lượng thành viên tham gia HTX. Trong tổng số 29 HTX thành lập gần đây nhất số lượng thành viên bình quân 1 HTX chỉ đạt 9 thành viên /1 HTX. trong khi đó tại các nước có phong trào HTX phát triển số lượng thành viên của các hợp tác xã chiếm tới 70% dân số cả nước ( Phần Lan), 50 % dân số (Singapore). . .
Quan niệm về HTX kiểu cũ vẫn còn nặng nề, môi trường làm việc trong HTX không có sức thu hút với nhân lực có trình độ cao. Các sáng lập viên thành lập hợp tác xã là những người có tâm huyết với phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nhưng rất ít người có đủ trình độ xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, chiến lược phát triển nhân sự cho HTX.
Tuổi đời bình quân của LĐ trong HTX và đặc biệt là tuổi đời bình quân của bộ máy lãnh đạo HTX rất cao, không có đội ngũ kế cận tiếp nối nên HTX chỉ hoạt động phát triển trong thời gian ngắn.
Để phát triển được HTX thì nhu cầu và số lượng thành viên liên kết hợp tác trong HTX phải lớn, bên cạnh đó lãnh đạo HTX phải thực hiện các hoạt động mà từng thành viên đơn lẻ hoạt động không hiệu quả, điển hình là việc góp vốn đầu tư công nghệ, và phát triển thị trường. Thực trạng chung của các HTX trên cả nước là công nghệ của HTX còn lạc hậu và đa số HTX không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn. Mô hình HTX trở nên mong manh trước tác động biến đổi liên tục của thị trường, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
Chính sách hỗ trợ dành cho LĐNT và Hợp tác xã chưa hiệu quả, hàng năm có nhiều hoạt động hỗ trợ, nhiều dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng thực tế khảo sát cho thấy HTX vẫn phải đào tạo nghề cho 80% LĐNT. Các chính sách hỗ trợ dành cho HTX của tỉnh Yên Bái hiện tại vẫn chưa được ban hành theo nội dung hỗ trợ dành cho HTX ghi trong Luật HTX 2012, và Quyết đinh số 2261 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án phát triển Hợp tác xã của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 – 2015 tầm nhìn đến năm 2020 được ban hành, nhưng không được triển khai thực hiện.
Vai trò của các loại hình kinh tế hợp tác đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nông thôn
Hợp tác xã khi xây dựng và phát triển ổn định là nhân tố chủ lực trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại đóng góp của các hợp tác xã trong việc tạo số lượng việc làm, vị trí làm việc trong các hợp tác xã còn rất khiêm tốn so với tổng số lao động nông thôn trên địa bàn. Theo thống kê hiện tại Yên Bái có 315 hợp tác xã đăng ký hoạt động trên địa bàn, số lượng việc làm trực tiếp do các HTX mang lại trong khoảng từ 5.000- 6.000 việc làm. Đây là số rất khiêm tốn so với tổng số lao động nông thôn 409.208 trên địa bàn tỉnh (Cục Thống kê tỉnh Yên Bái – 2014) – chiếm 1,47%. Số lượng thành viên có việc làm và hưởng lợi từ hoạt động của các HTX đạt 38.217 thành viên bằng 4,9% dân số toàn tỉnh năm 2014 thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước(tỷ lệ thành viên HTX của cả nước bằng 8,4% tổng dân số).
Nhận định vai trò của các Hợp tác xã trong giải quyết việc làm nông thôn, thông qua đánh giá trực tiếp của lao động nông thôn và lãnh đạo các địa phương cho thấy hợp tác xã có nhiều ưu việt và điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm nông thôn.
Các hợp tác xã của Yên Bái tuy khác xa về trình độ tổ chức và quy mô hoạt động với mô hình HTX tiên tiến trên thế giới nhưng tiêu chí hoạt động và bản chất của mô hình hợp tác xã là giống nhau.
Tính ưu việt của HTX trong giải quyết việc làm nông thôn:
Hợp tác xã là mô hình hình thành để liên kết và hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội và hoạt động đơn lẻ không hiệu quả. Đây là tiêu chí hoàn toàn phù hợp với tính chất và trình độ của lao động nông thôn.
Hợp tác xã hình thành và hoạt động trực tiếp, tập trung tại địa bàn nông thôn, số lượng lao động tham gia các Hợp tác xã chủ yếu là lao động nông thôn. 100% số lao động được hỏi đều cư trú tại địa bàn nông thôn của các xã trong tỉnh.
Hợp tác xã khắc phục và nâng cao hiệu quả của lao động nông thôn trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động và thực hiện hợp đồng kinh tế với đối tượng lao động nông thôn. Một điểm yếu cố hữu của lao động nông thôn khi tham gia lao động, tham gia quan hệ hợp đồng lao động và các loại hình hợp đồng kinh tế, cung ứng dịch vụ khác là thiếu hiểu biết về pháp luật và không tuân thủ hợp đồng. Đây được xem là trở ngại lớn nhất của lao động nông thôn. Với hiểu biết về pháp luật hạn chế, thói quen làm việc và canh tác nông nghiệp lâu năm đối tượng lao động nông thôn rất thường xuyên không tuân thủ chặt trẽ các nội dung của hợp đồng lao động, thói quen kỷ luật, quy trình sản xuất. Trong các quan hệ hợp đồng kinh tế khác như cung ứng dịch vụ, cam kết thực hiện hợp đồng của lao động nông thôn cũng không thường xuyên được thực hiện. Đa số các doanh nghiệp có liên hệ, đặt hàng, hoặc hợp đồng lao động đối với đối tượng lao động nông thôn đều phàn nàn về vấn đề này. Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy, kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật cho lao động nông thôn nhưng đến kỳ thu hoạch nông sản, nông dân thường không thực hiện cam kết, bán nông sản cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác khi được giá , ngay cả khi giá ngang bằng hoặc thấp hơn, nhưng thu được toàn bộ giá bán sản phẩm mà không phải hoàn trả số vốn đầu tư ban đầu cho nhà cung cấp ….
Các Hợp tác xã thường có mối liên hệ gần gũi và gắn bó với lao động nông thôn, thu hút nhiều thành viên là hộ nông dân tham gia, Ban lãnh đạo điều hành HTX phần đông là do các hộ thành viên tin tưởng, tín nhiệm và lựa chọn bầu ra nên mô hình hợp tác xã là mô hình phù hợp nhất để xây dựng mối liên hệ gắn bó và khắc phục các điểm yếu trên của lao động nông thôn. Thông qua sinh hoạt tập thể trong môi trường HTX, thực hiện Điều lệ HTX, Luật HTX, thói quen và nếp sống tuân thủ pháp luật của đối tượng lao động được hình thành và củng cố. Các quan hệ hợp đồng kinh tế giữa lao động nông thôn vừa là quan hệ pháp luật vừa là quan hệ cộng đồng làng xóm nên được đảm bảo thực hiện nghiêm túc hơn, các tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết mềm mại và nhẹ nhàng hơn. Việc tham gia hoạt động trong mô hình hợp tác xã, hợp đồng kinh tế với đối tác của từng thành viên là lao động nông thôn được thực hiện đảm bảo hơn, thông qua ban lãnh đạo HTX, điều này cũng giúp cho việc bảo vệ lợi ích cho lao động nông thôn tránh khỏi các thiệt hại do không hiểu biết về kinh tế, pháp luật.
Hợp tác xã là tổ chức kinh tế xã hội được tổ chức và hoạt động theo Luật HTX, Điều lệ hơp tác xã nhằm mục tiêu tối đa lợi ích và hiệu của cho các thành viên tham gia, tham gia hoạt động và thực hiện những nội dung mang lại lợi ích chung cho thành viên, thực hiện những nội dung mà lao động nông thôn đơn lẻ không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả như: Cung ứng dịch vụ số lượng lớn, giá rẻ. Tổ chức tìm kiếm thị trường và liên hệ tổ chức bao tiêu sản phẩm, tập hợp lực lượng lao động, thành viên thực hiện liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất.