“Điều kiện để các HTX xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm thành công đòi hỏi ở làng đó, xã đó, vùng đó phải có sản phẩm đặc trưng, đủ cung ứng theo đơn đặt hàng với số lượng lớn trên cơ sở khai thác các lợi thế địa phương”.
Trên đây là lưu ý của Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo tại hội nghị chuyên đề cụm Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ lần thứ 46 năm 2017, bàn về “Giải pháp hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm”, được tổ chức tại Kiên Giang ngày 1/12.
Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường
Theo Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo, sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường, chất lượng hàng hóa phải bảo đảm. Thành viên HTX phải thật sự có nhu cầu liên kết và có khát vọng làm giàu, nếu người dân chưa thông tư tưởng, chưa muốn liên kết thì chúng ta cũng không đủ sức thực hiện.
Do đó, cần vận động thành viên HTX tích cực tham gia các chuỗi liên kết sản xuất thông qua hội thảo đầu bờ, các mô hình thí điểm để từ đó bà con thấy được hiệu quả và làm theo.
Chủ tịch liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam mong muốn các lãnh đạo HTX phải là người nhiệt huyết, có năng lực tài chính, có uy tín thì mới đủ sức vực dậy sự phát triển của HTX. Song song đó, phải “kéo” được doanh nghiệp (DN) vào HTX để hỗ trợ bao tiêu, đầu tư vốn để hạ giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị, đem lại lợi nhuận cao hơn cho HTX.
Một điểm rất quan trọng nữa, đó là sự hỗ trợ của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng nhấn mạnh các địa phương khi xây dựng mô hình kinh tế hợp tác (KTHT) không nên chạy theo số lượng, cần chú trọng chất lượng các HTX, tổ hợp tác (THT).
Tại hội nghị lần này, có nhiều cách làm hay được đại diện các HTX ở các tỉnh Tây Nam bộ chia sẻ, cũng như chỉ ra những vướng mắc và đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ HTX xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như An Giang, là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình KTHT, An Giang hiện có 149 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp – nuôi trồng thủy sản, quỹ TDND, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp…
Ông Trần Văn Cứng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, cho biết hiện An Giang đang phát triển mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa lúa gạo thông qua HTX nông nghiệp liên kết với một số DN xuất khẩu gạo, như công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, công ty CP Nông sản Vinacam…
Giai đoạn 2011 – 2016, trung bình mỗi năm, An Giang có 15 – 21 DN tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với nông dân thông qua 10 – 14 HTX và 8 – 21 THT. Tổng diện tích sản xuất hàng năm đều tăng, từ 13.150ha năm 2011 tăng lên 41.208ha năm 2016, sản lượng lương thực cũng tăng lên tương ứng từ 83.370 tấn lên 261.259 tấn.
và trao đổi với đại diện các HTX bên lề hội nghị
Những cách làm hay
“Năng lực, tay nghề của thành viên HTX dần được nâng cao do có sự hỗ trợ của cán bộ các công ty trực tiếp tham gia và quản lý, điều hành HTX. Đây có thể coi là một trong những cách làm hay trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực HTX”, ông Cứng nói.
Theo ông Đỗ Văn Sơ – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, tổng doanh thu của các HTX ở tỉnh này đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, cá biệt có những HTX doanh thu đạt 5 tỷ đồng.
Có được kết quả này là do Cà Mau thực hiện đa dạng hóa các hình thức tổ chức quản lý và sản xuất phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; củng cố và thành lập các HTX, THT để làm cơ sở thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Cà Mau đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn với các DN cung ứng vật tư đầu vào, DN chế biến tôm xuất khẩu với các vùng nuôi thông qua các hợp đồng kinh tế.
Là một trong những HTX điển hình hoạt động hiệu quả theo Luật HTX 2012, kinh nghiệm của HTX nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, Kiên Giang) là thực hiện phương thức đấu thầu trong mọi dịch vụ phục vụ cho HTX từ bơm tát, cày ải, thu hoạch, cũng như chọn DN mua lúa với giá có lợi cho nông dân để giúp nông dân thu lợi nhuận cao nhất.
Ông Lê Minh Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng, nói: “DN tham gia đấu thầu mua lúa của thành viên HTX với giá cao hơn giá thị trường từ 50 – 100 đồng/kg là do HTX thu hoạch đồng loạt, cùng làm một loại giống, lại có Ban giám đốc đứng ra chịu trách nhiệm giúp thu mua, nên DN rất an tâm khi liên kết”.
Với một tỉnh có sản lượng lương thực hơn 4 triệu tấn/năm, Kiên Giang hiện có 335 HTX, 2.215 THT sản xuất nông nghiệp; có 104 HTX nổi lên với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ lúa hàng hóa hiệu quả được 25.000ha; trong đó, có 9 HTX có DN tham gia làm thành viên, chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Phó Giám đốc trong HTX.
Tuy nhiên, theo ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, mô hình KTHT trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Một số THT, HTX hoạt động còn đơn điệu, thiếu chiến lược sản xuất, kinh doanh, quy mô sản xuất nhỏ, liên kết giữa các đơn vị KTHT còn chậm.
Ông Trần Văn Cứng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là hiện có rất ít DN có đủ tiềm lực để thực hiện cả chuỗi liên kết, mà chỉ tham gia một vài khâu trong chuỗi, chủ yếu là thu mua lúa thông qua hợp đồng.
Để tạo động lực cho HTX xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhiều ý kiến đề xuất nên có cơ chế gỡ khó về vốn cho các HTX.
Liên minh HTX Việt Nam cần xây dựng các mô hình chuỗi giá trị đối với một số hàng hóa nông sản chủ lực, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng đến các địa phương.
Bộ NN&PTNT nên quy định cụ thể tỷ lệ vốn đầu tư hạ tầng hàng năm cho HTX trong tổng vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bích Linh
Nguồn http://www.thoibaokinhdoanh.vn