Cần làm chuyển biến nhận thức từ phía người lao động

0
516
alt

        Trong số trên 300 hợp tác xã (HTX) ở Yên Bái thì mới có 9 HTX thành lập được tổ chức công đoàn và trong hơn 1 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước (NNN) ( trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp sử dụng từ 30 lao động trở lên) thì mới có 95 đơn vị có tổ chức Công đoàn.

alt

Tráng men sản phẩm ở Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

        Những con số này đã cho thấy hoạt động công đoàn ở các HTX, các doanh nghiệp NNN còn yếu, để phát triển tổ chức công đoàn ở khu vực này còn rất nhiều khó khăn.

        Theo ông Dương Trí Dũng – Phó ban tổ chức Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cái khó trước tiên ở phía người lao động (NLĐ). Việc thành lập tổ chức công đoàn ở khu vực doanh nghiệp NNN trước hết phải bắt đầu từ nguyện vọng của NLĐ. Tuy nhiên, Yên Bái vốn là tỉnh nghèo, hoạt động sản xuất, kinh doanh manh mún nên việc sử dụng lao động trong doanh nghiệp NNN cũng không nhiều và đa số là lao động hợp đồng mùa vụ.

         NLĐ thường có suy nghĩ coi mình là những người làm thuê, làm tới đâu thì hưởng lương tới đó chứ không quan tâm nhiều đến sự giàng buộc giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ. Hơn nữa, hiện nay khá nhiều doanh nghiệp NNN đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình và NLĐ cũng là anh em họ hàng nên cũng không ai nghĩ đến việc phải thành lập tổ chức công đoàn.

        Trường hợp NLĐ không phải là anh em họ hàng thì họ càng không có nhiều hi vọng về việc thực hiện quyền và lợi ích của mình trong các doanh nghiệp được quản lý theo kiểu gia đình.

         Những suy nghĩ trên khiến NLĐ động chịu khá nhiều thiệt thòi. Chị T.T.N đang lao động cho một cơ sở chăn nuôi ở thành phố Yên Bái, lương không cao nhưng mỗi tháng bị chủ sử dụng lao động giữ lại 300 nghìn đồng nếu bỏ việc giữa chừng thì sẽ không được thanh toán. Từ đầu năm đến nay chị N. cũng như nhiều lao động ở cơ sở này chỉ được ứng trên dưới 1 triệu đồng tiền lương mỗi tháng.

         Không bảo đảm cuộc sống hàng ngày chị N. muốn nghỉ việc nhưng không dám nghỉ vì sợ mất một khoản tiền khá lớn so với thu nhập của mình. Không có tổ chức công đoàn, NLĐ trong các doanh NNN còn phải chịu nhiều thiệt thòi khác như không được ký các thoả ước lao động với chủ sử dụng lao động dẫn đến nhiều quyền lợi bị vi phạm như không được tăng lương định kỳ, không được tham gia các loại bảo hiểm, hưởng các chế độ khi ốm đau, thai sản, các quyền lợi khác khi doanh nghiệp phá sản…

         Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của NLĐ về vai trò của tổ chức công đoàn luôn được LĐLĐ các cấp coi trọng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân lực.

         Điển hình như thành phố Yên Bái là nơi tập trung rất đông các doanh nghiệp NNN, trong khi đó LĐLĐ thành phố chỉ có 4 người, trong đó một người chuyên về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, một người là thành viên của hàng chục ban chỉ đạo, một người lo các công việc sự vụ của cơ quan, người còn lại cũng kiêm rất nhiều việc nên công tác tuyên truyền cũng bị hạn chế.

         LĐLĐ tỉnh trong năm 2011 cũng đã có những hội nghị phố hợp với các tổ chức, ban, ngành như Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái, Tỉnh đoàn Yên Bái để bàn các giải pháp phối hợp phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp nhưng cho đến nay mới chỉ có Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái đề ra biện pháp là các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong các khu công nghiệp phải thành lập được tổ chức công đoàn. 

         LĐLĐ các cấp cũng hy vọng sau khi Luật Công đoàn được sửa đổi sẽ tăng cường thêm nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của NLĐ và sẽ tăng cường được trách nhiệm xây dựng tổ chức Công đoàn từ hai phía là phía người sử dụng lao động và NLĐ.

Theo nguồn http://baoyenbai.com.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here