PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở CÁC TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC (KỲ 1)

0
432

Chăm sóc rau sạch ở HTX rau an toàn VietGap, phường Đông Sang, thị trấn Mộc Châu (Sơn La).

Trong quá trình hoạt động và chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX cả nước đang phải chịu những khó khăn do đặc thù vị trí địa lý, tập quán vùng miền cũng như điều kiện kinh tế – xã hội, nhất là các HTX nông nghiệp khu vực miền núi phía bắc. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp để vực dậy mô hình kinh tế tập thể (KTTT) ở khu vực này là vấn đề cấp thiết.

Bài 1: Hợp tác xã “ba không”

Có dịp đi cùng Liên minh HTX Việt Nam về các tỉnh vùng cao phía bắc, chúng tôi được chứng kiến không ít HTX nông nghiệp đang trong tình trạng “ba không”: không trụ sở, không tư liệu sản xuất, không vốn. Nhiều HTX chỉ hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ tan rã.

Yếu toàn diện

Khảo sát thực tế tại một loạt HTX ở các tỉnh miền núi vùng cao phía bắc, chúng tôi tạm thống kê những con số như sau: Hòa Bình có 110 xã trong tổng số 191 xã là có HTX nông nghiệp, chiếm 57,59%, tại Lạng Sơn, trong số 207 xã toàn tỉnh, có 70 xã có HTX với 62 HTX nông nghiệp; tại Điện Biên có 116 xã, có 46 xã có HTX, 44 xã có tổ hợp tác, 26 xã có cả HTX và tổ hợp tác và có 67 HTX nông nghiệp. Hầu hết HTX nông nghiệp ra đời trước Luật HTX năm 2012, nên đều gặp nhiều vướng mắc khi đăng ký tổ chức lại HTX.

Không chỉ mỏng về độ “phủ sóng”, ngay cả những đơn vị đang hoạt động, trên thực tế, như nhận định của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự, đó là một cơ thể “ốm yếu toàn diện”: ốm về cách thức tổ chức, bộ máy quản lý, yếu về nhân lực, tài lực, vật lực. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn, do các HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp, chưa xây dựng được các phương án sản xuất, kinh doanh… Mặc dù trên lý thuyết, chính sách ưu đãi có quy định, HTX có thể vay tối đa 500 triệu đồng không cần thế chấp tài sản, nhưng khi gõ cửa khắp các ngân hàng, vẫn chẳng thể vay vốn.

Làm việc với HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thành, xã Kiến Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chúng tôi được Giám đốc Hợp tác xã Trần Ngọc Sử cho biết: HTX đã tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012, liên kết với Công ty Yên Thành, huyện Yên Bình trong “chuỗi” quy trình trồng, thu gom, sơ chế, chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm măng Bát Độ. Từ đầu năm 2015 đến nay, HTX đã thu gom, tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát Độ của các xã viên và người dân, doanh thu đạt hơn sáu tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên nhiều năm nay, HTX chưa có trụ sở làm việc. Mới đây, chính quyền địa phương cho HTX “mượn” tạm đất để xây một trụ sở khá khang trang, nhưng là đất mượn nên không được cấp “sổ đỏ”. Cái khó về đất đai, kéo theo cái khó về tài chính, dù HTX sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả, nhưng khi cần vốn muốn vay ngân hàng thì không được, vì ngân hàng yêu cầu có “sổ đỏ”, không để ý đến thực tế sản xuất, phương án kinh doanh!

Cái khó “bó” cái khôn

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cuối năm 2015, vùng Tây Bắc có sáu tỉnh còn tỷ lệ hộ nghèo cao, hơn 20%, như Hà Giang 23,21%, Cao Bằng 20,55%, Yên Bái 20,57%, Sơn La 23,94%,. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh, nghèo là một trong những nguyên nhân khiến địa phương này còn nhiều xã chưa có HTX nông nghiệp, mà nếu có cũng rất khó phát triển bền vững. Hiện tỉnh Sơn La có năm huyện, 102 xã và 1.131 bản nằm trong diện nghèo nhất nước.


Sản xuất dầu quế tại HTX 6-12, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, chính sách ưu đãi phát triển KTTT có, nhưng còn nhiều vướng mắc, khiến nhiều HTX nông nghiệp chưa tiếp cận được. Tại nhiều tỉnh miền núi phía bắc, công tác tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, thành viên về hoạt động của HTX kiểu mới còn nhiều hạn chế.

Đơn cử, như sự thiếu đồng bộ trong việc ra văn bản. Thời gian qua, một số tỉnh miền núi chủ động xây dựng đề án “Phát triển kinh tế HTX giai đoạn 2015 -2020” theo Quyết định 2261/QĐ-TTG ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, hay một số chính sách ưu đãi cho mô hình kinh tế HTX, như Quy chế bảo lãnh và hỗ trợ lãi suất đối với HTX theo khoản 4, điều 24, Nghị định 193 của Chính phủ; Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ kế toán đối với HTX theo khoản 4, điều 22, Nghị định 193… Nhưng đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa có thông tư hướng dẫn triển khai, cho nên các địa phương rất lúng túng, rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”: Chờ thì mọi việc sẽ ùn tắc lại, tự ý quyết lại sợ sai!

Bên cạnh đó, đối với các HTX thành lập trước ngày 1-7-2013, khi tổ chức lại hoặc chuyển đổi hoạt động đúng theo quy định của Luật HTX, đều chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiệu quả; chưa đánh giá, phân định, minh bạch được tài sản; chưa xác định được vốn góp tối thiểu; chưa xác định được tỷ lệ cung ứng dịch vụ cho thành viên, nên gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành lại việc đăng ký thành lập HTX. Thậm chí, một số nơi, nhu cầu sản xuất hàng hóa chưa rõ ràng, HTX hoạt động yếu kém, nhưng vẫn cố duy trì HTX cũ, bởi tiêu chí trong chính sách về xây dựng nông thôn mới là phải có HTX.

Vì nhiều lý do, khiến quá trình chuyển đổi các HTX kiểu cũ sang kiểu mới ở khu vực miền núi phía bắc gặp nhiều bất cập. Thực tế, nếu có chuyển đổi, cũng chỉ là chuyện “bình mới rượu cũ”, thực trạng yếu kém của các HTX nông nghiệp vùng cao vẫn khó thay đổi một sớm, một chiều.

(Còn nữa)

 

Bài và ảnh: TÂM THỜI

Nguồn http://www.nhandan.com.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here