Bước vào thời kỳ hội nhập, đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải thật sự thay đổi để “đứng vững” trong nền kinh tế thị trường. Điều này đã thúc đẩy các hộ sản xuất chè ở Thái Nguyên có nguyện vọng tham gia vào HTX.
Trên thực tế, có tham gia vào mô hình HTX chè chất lượng cao mới gỡ bỏ được nhiều nút thắt cho người nông dân trong việc xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, để sống khỏe trên thị trường.
HTX giải quyết ba khâu quan trọng
Ông Đỗ Xuân Ngũ – Chủ nhiệm HTX chè Tân Cương (xã Quyết Thắng, Tp.Thái Nguyên), cho biết: Việc thành lập HTX chè kiểu mới đã thật sự mang lại cho người nông dân nhiều lợi ích, đặc biệt là giải quyết được ba vấn đề quan trọng mà hầu hết người trồng chè ở Thái Nguyên đang gặp khó, đó là vốn đầu tư, KHKT và đầu ra cho giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Ngũ chia sẻ, năm 2001, ông và một số người dân ở xã Quyết Thắng thành lập HTX, bước đầu với 36 hộ tham gia, số vốn đóng góp ban đầu là 150.000 đồng/người. Tuy khởi đầu nhiều khó khăn, nhưng HTX vẫn giữ vững mục tiêu lấy chất lượng sản phẩm làm kim chỉ nam và chú trọng xây dựng thương hiệu, cũng như lợi ích của các thành viên.
Hiện nay, sau 15 năm hoạt động, HTX đã xây dựng được một hệ thống nhà xưởng, nhà kho kiên cố, bảo đảm an toàn cho người lao động với 45 hộ tham gia, tổng doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bà Đỗ Thị Hiệp – Phó Chủ nhiệm HTX, chỉ ra rằng để thể hiện được vai trò “chỉ đường dẫn lối của mình”, HTX đã chủ động đứng ra cung ứng phân bón, vật tư cho các thành viên; phối hợp với phòng nông nghiệp huyện để tổ chức các lớp tập huấn KHKT về kỹ thuật trồng chè, đặc biệt là về quy trình, cách thức chế biến theo tiêu chuẩn VietGap.
Từ năm 2001 đến nay, HTX đã định hướng cho các thành viên sản xuất theo quy trình UZT (nông nghiệp tốt), nhờ vậy mà hằng năm, HTX đưa ra thị trường hàng chục tấn chè sạch, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận.
Việc hình thành các mô hình HTX chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap đang là hướng đi đúng đắn ở Thái Nguyên
Vai trò HTX được khẳng định
Theo bà Hiệp, việc thành lập HTX chè chất lượng cao đã giúp cho các hộ trồng chè của HTX nói riêng và các HTX chè khác nói chung trên địa bàn tỉnh giải quyết được bài toán về nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng quảng bá được thương hiệu, là bước đệm quan trọng cho sản phẩm chè Thái Nguyên từng bước thâm nhập sâu rộng vào thị trường trên khắp cả nước và cho mục tiêu xuất khẩu.
Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch Hiệp hội Chè Thái Nguyên, nhấn mạnh: “Nếu năm 2011, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 HTX sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, thì nay đã có tới 35 HTX hoạt động và sản xuất theo mô hình này. Rõ ràng, việc tham gia vào HTX chè chất lượng cao đã giúp cho các thành viên trong HTX phát triển cây chè đi đúng hướng, trong việc tìm chỗ đứng và khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nhờ đó mà thu nhập của người dân trồng chè ngày càng được nâng cao”.
Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Chủ nhiệm HTX chè Thiên Phú An (Tp.Thái Nguyên), chia sẻ: “HTX chúng tôi thành lập năm 2013, tổng diện tích là 15 ha, với 12 thành viên góp vốn tham gia. Toàn bộ diện tích chè của HTX được sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn VietGap. HTX đã chủ động việc cung ứng các sản phẩm đầu vào cho thành viên như phân bón, vật tư, trang bị các kĩ thuật chăm sóc và thu hái, chế biến sản phẩm, cũng như chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm khi liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ tuân thủ các quy trình chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGap, mà sản phẩm chè HTX Thiên Phú An có giá bán cao hơn các sản phẩm chè thông thường khoảng 30%. Thương hiệu sản phẩm chè của HTX ngày càng được khẳng định.
Còn bà Nguyễn Thị Thảo – một thành viên của HTX chè Tân Thành (huyện Đồng Hỷ), bật mí: “Nhờ tham gia mô hình HTX chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap mà gia đình chúng tôi có thu nhập hơn 400 triệu đồng từ 1ha chè. Trước đây, khi chưa vào HTX, người trồng chè như chúng tôi rất khó khăn trong việc xoay vòng vốn để sản xuất, phải tự mày mò trong việc tìm hiểu kĩ thuật trồng chè sạch, tự tìm thương lái để tiêu thụ sản phẩm và suốt ngày bị ép giá. Từ khi tham gia vào HTX, những khó khăn trên đã được giải quyết”.
Với việc hình thành các HTX sản xuất chè chất lượng cao đã thật sự giúp người dân trồng chè ở Thái Nguyên gỡ bỏ được nút thắt trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng được thương hiệu, qua đó khẳng định được vai trò của HTX trong việc đưa cây chè lên một tầm cao mới.
Nguyễn Hiếu
Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn/